Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm

Thứ bảy, ngày 27/07/2019

(BDO) Hôm qua (26-7), tại kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX, ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải trình các ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và một số giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2019.

 Tập trung giải ngân đầu tư công

Về đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tỉnh đã có nhiều cuộc họp và văn bản chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc. Nhìn chung, công tác quản lý đầu tư của các ngành, các cấp có cải thiện, quan hệ phối hợp xử lý công việc giữa chủ đầu tư với các sở, ngành và địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp (đến ngày 15-7-2019 chỉ đạt 23,2% kế hoạch). Nguyên nhân chính vẫn là do thủ tục đầu tư còn phức tạp, quy trình chuyển tiếp và triển khai dự án giữa 2 năm 2018-2019, một số dự án phải điều chỉnh cho phù hợp tình hình, công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn chậm, chất lượng tư vấn thiết kế, đấu thầu thấp khiến hồ sơ phải điều chỉnh nhiều lần…


Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh giải trình các ý kiến đóng góp của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và một số giải pháp trọng tâm. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Theo kế hoạch điều chỉnh đầu tư công năm 2019 từ 7.821 tỷ đồng lên 12.139 tỷ đồng (gồm vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) do bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương và hỗ trợ từ Trung ương, do đó nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề đối với các cấp, các ngành, cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt mới có khả năng hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao. UBND tỉnh thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm và tiến độ công tác đền bù, giải tỏa. Qua đó, kiểm soát và kịp thời theo sát tiến độ các dự án, chỉ đạo xử lý các vướng mắc, khó khăn; chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công (sửa đổi); nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án ở tất cả các khâu trong thực hiện dự án; không để dồn khối lượng vào cuối năm, đặc biệt là các công trình có khối lượng đền bù, giải tỏa lớn.

Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và tạo mọi điều kiện góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước phục vụ công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước để từng bước phát triển chính quyền điện tử và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin năm 2018 trong các cơ quan Nhà nước được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá xếp hạng Bình Dương đứng thứ 4/63 tỉnh, thành. Điều đó minh chứng các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình.

Giải trình tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết ước thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 28.600 tỷ đồng, bằng 52% dự toán, tăng 16% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 21.200 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 7.400 tỷ đồng. Con số này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ổn định và phát triển; công tác quản lý, khai thác các nguồn thu bảo đảm đúng chế độ, chính sách, đạt kết quả khả quan. Theo báo cáo của ngành tài chính, ước tổng nợ đọng thuế đến cuối quý II là 2.996 tỷ đồng, song thực tế đến ngày 31-6-2019, tổng nợ đọng thuế là 2.703 tỷ đồng, chiếm 6,8% tổng dự toán thu nội địa do Chính phủ giao. Nếu loại trừ nợ mất khả năng chi trả (doanh nghiệp phá sản, giải thể, nợ khó thu, nợ đang khiếu nại…) thì nợ có khả năng thu là 1.870 tỷ đồng, bằng 4,72% tổng dự toán thu nội địa do Thủ tướng Chính phủ giao (chỉ tiêu phấn đấu Thủ tướng Chính phủ giao là dưới 5%).

Ông Trần Thanh Liêm cho biết, để duy trì mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đang chỉ đạo ngành thuế phối hợp các ngành, địa phương tập trung thực hiện đầy đủ quy trình quản lý nợ, xử lý nợ thuế theo quy định, xây dựng kế hoạch thu nợ, giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện. Các trường hợp xóa nợ, giãn nợ phải được xem xét cụ thể, bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, có lợi nhuận… để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện tốt nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước.

Thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính

Trình bày về các giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kế hoạch 296/KH-UBND ngày 18-1-2019 về triển khai thực hiện Nghị quyết 01/ NQ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; rà soát, đánh giá, có giải pháp chấn chỉnh và khắc phục nhanh các hạn chế, tồn tại, yếu kém, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh năm 2019.

Để hoàn thành kế hoạch KT-XH năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, gắn công tác chỉ đạo, triển khai với công tác theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra công vụ; khắc phục hiệu quả các tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương. Từng lãnh đạo sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả công tác được phân công phụ trách…

 Quản lý tài nguyên - môi trường đi vào nề nếp

 Trong báo cáo giải trình, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết thời gian qua tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tính đến nay, các chỉ tiêu về môi trường đã đạt mục tiêu của tỉnh và Trung ương đến năm 2020.

Bình Dương đã đưa 3 nhà máy xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động (Nhà máy xử lý nước thải Thủ Dầu Một, công suất thiết kế 17.500m3/ngày/đêm; Nhà máy xử lý nước thải Thuận An, công suất thiết kế 17.500m3/ngày/đêm; Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An, công suất thiết kế 20.000m3/ngày/đêm). Ngoài ra, cuối năm nay, tỉnh sẽ đưa vào khai thác Nhà máy xử lý nước thải Tân Uyên (công suất thiết kế 15.000m3/ngày/đêm). Cùng với đó, tỉnh triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với 85 nguồn thải lớn… Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành xây dựng chính sách di dời các cơ sở công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư vào khu công nghiệp. Với các chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án đang triển khai và thực hiện trong thời gian tới thì việc xử lý ô nhiễm môi trường của tỉnh ngày càng chặt chẽ, đi vào nề nếp và môi trường sẽ được cải thiện.

Về công tác quản lý khai thác cát, trước tình hình khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát xây dựng trái phép, không phép, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường, công thương, công an và UBND các huyện, thị, thành phố triển khai nhiều giải pháp về tuyên truyền, thanh kiểm tra… để chấn chỉnh, lập lại kỷ cương trong quản lý, thăm dò, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát. Cụ thể, tỉnh đã thành lập đội công tác liên ngành để kiểm tra đột xuất công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản. Đối với hoạt động khai thác cát trên lòng hồ Dầu Tiếng, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tây Ninh để phối hợp xử lý các trường hợp khai thác cát trái phép tại vùng giáp ranh.

“Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng các giấy phép đã cấp, tạm thời ngưng tiếp nhận các hồ sơ đề nghị thăm dò, khai thác cát tại lòng hồ cho đến khi có hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết.

 HỒ VĂN - CAO SƠN