Ông Trần Ngọc Hải: Tham gia các cuộc thi là để làm giàu kiến thức cho mình
Ảnh: T.TRANG
Thi để làm giàu kiến thức cho mình
Gặp P.V trong một buổi trưa cuối tuần, cái nắng gay gắt không làm gương mặt ông Trần Ngọc Hải (SN 1952) vơi đi nét lạc quan, vui vẻ. Ông kể, mình có nhiều năm công tác ở Đài Truyền thanh xã Tân Long, huyện Phú Giáo, chính vì vậy ông rất quan tâm đến những vấn đề thời sự - chính trị trong và ngoài tỉnh. Hễ nghe nói có cuộc thi nào về các vấn đề lịch sử - chính trị là ông lại tham gia gửi bài dự thi.
Có thể kể đến các cuộc thi mà ông đã để lại dấu ấn như: Bình Dương xưa và nay (2002), Toàn dân tham gia thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm năm 2002 (2002), Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương (2003), Công tác dân vận của Đảng “75 năm truyền thống vẻ vang” (2005), Luật Đất đai 2003 (2006), Đất và người Bình Dương (2006), Sự kiện Việt Nam tham gia “Tổ chức Thương mại thế giới WTO” (2007), Gương sáng quanh tôi (2008), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Dương giai đoạn 1975- 2010 (2012), Tìm hiểu Pháp luật về biển, đảo Việt Nam (2014)…
Điều đáng nói là tham gia cuộc thi nào ông Hải cũng “rinh” giải thưởng, thấp nhất là giải khuyến khích. Những năm gần đây, ông Hải thường có tên trong danh sách những người có giải thưởng cao tại các cuộc thi lớn do một số sở, ngành trong tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, ông lại cho rằng nếu tham gia thi mà chỉ nghĩ đến giải thưởng thì không nên, quan trọng nhất là sau mỗi cuộc thi, bản thân đã “thu nhận” được gì.
Cả gia đình “cùng thi”!
Có quá nhiều kỷ niệm về các cuộc thi mà ông không thể kể hết, riêng đối với cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp” vừa kết thúc mới đây lại để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất. Ngày 9-11, khi Sở Tư pháp tổ chức lễ mít-tinh Ngày Pháp luật Việt Nam và phát động cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, ông đã cảm thấy rất hào hứng vì đối với ông thì “Hiến pháp là hồn thiêng, sức sống của một dân tộc, đất nước.
Yêu dân tộc, yêu quê hương, đất nước thì phải hiểu về Hiến pháp trước đã. Ngay từ khi Quốc hội bấm nút thông qua Hiến pháp mới, bản thân tôi đã cảm thấy xúc động vô cùng. Bản Hiến pháp này cập nhật nhiều điểm mới cho phù hợp với thực tiễn, một trong số đó là quyền con người cũng được mở rộng, nâng cao…”.
Mặc dù từ khi mới phát động cuộc thi, ông Hải đã rất muốn tham gia ngay nhưng vì “bận” viết bài cho cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về biển, đảo Việt Nam” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức (ở cuộc thi này ông đoạt giải ba - PV) nên chưa thể có nhiều thời gian tìm kiếm tư liệu. Vì vậy, khi chính thức bắt tay tham gia cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp” thì thời gian đầu tư cho bài thi đã không còn nhiều.
Một khó khăn mà ông thường gặp đó là thiếu tư liệu. Do không có điều kiện truy cập internet để kiếm thông tin nên ông thường xuyên tìm kiếm trên báo chí, sách vở. Không thể vào thư viện để mượn sách vì ông nghĩ sách mình cần đã không còn vì mình đến quá trễ, nên ông tìm kiếm ở các nhà sách ở khu vực trung tâm tỉnh. Mỗi lần tìm sách là mỗi lần ông phải chạy xe máy từ huyện Phú Giáo xuống TP.Thủ Dầu Một. Khi thời hạn nộp bài cận kề, ông thường xuyên ngồi viết đến 2 - 3 giờ sáng.
Thời gian này hầu như cả ngày ông chỉ làm bạn với cây bút và những chồng giấy, báo, tư liệu dày cộm. Nhớ lại khoảng thời gian lao lực của chồng, bà Dương Ngọc Phượng (SN 1952), người bạn đời của ông Hải không khỏi xót xa: “Ông ấy đam mê nghiên cứu, viết lách nên cả nhà tôi đều ủng hộ. Chỉ có điều do hăng say viết bài dự thi mà sức khỏe ông ấy sa sút nghiêm trọng, có lần phải truyền nước biển lấy sức. Tôi và con cháu cũng xót lắm nhưng chỉ có thể động viên, phụ giúp ông ấy tìm hiểu, cắt dán hình ảnh, tư liệu cũng như tạo điều kiện tốt nhất để ông ấy tập trung viết bài…”.
Nói về điều này, ông Hải thật sự biết ơn sự quan tâm, động viên của người thân trong gia đình. Để cho ông có thời gian nghiên cứu, viết bài dự thi, người thân đã hỗ trợ ông trong việc tìm kiếm tư liệu. Luôn đồng hành cùng chồng trong mọi hoạt động từ lớn đến nhỏ, bà Phượng hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của ông.
Khi ngày cuối nộp bài dự thi, vợ chồng ông đã chạy xe máy xuống TP.Thủ Dầu Một để tìm tiệm photo thuê đóng bài thi thành cuốn. Đóng cuốn xong, hai vợ chồng chạy thật nhanh ra bưu điện gửi bài thi rồi ngược về Phú Giáo vì ngày đã sắp tàn, nếu chạy về huyện gửi sẽ không kịp. Do quá lo lắng bị trễ giờ mà ông Hải đã bị ngã xe. “Có thể nói đây là một cuộc thi rất ý nghĩa và nhiều kỷ niệm với vợ chồng tôi!”, bà Phượng tâm sự.
Vì bài viết tay trên giấy A4 nên mỗi trang giấy ông Hải phải kẻ đường ngang bằng bút chì để chữ viết “ngay hàng thẳng lối”. Chỉ một sơ suất nhỏ do thiếu tập trung có thể khiến ông phải vất vả ngồi viết lại từ đầu. Điều này rất bất tiện so với những bài thi được đánh máy vi tính. Khó khăn là vậy nhưng gần 2 tháng tập trung nghiên cứu, chắt lọc tư liệu để viết, tập bài dự thi 350 trang của ông Hải đã cao hơn đầu gối và nặng tới… 15kg. Tác phẩm dự thi vì vậy khi đến chung khảo cuộc thi ‘Tìm hiểu Hiến pháp” cấp tỉnh đã khiến các thành viên Ban giám khảo không khỏi bất ngờ và nể phục.
Sự cần mẫn, chăm chỉ, sự cầu tiến, ham học hỏi của ông Hải thật sự xứng đáng được tôn vinh. Chính vì vậy, tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp”, ông Hải đã vinh dự nhận giải ba cá nhân. Đây cũng là động lực để ông và những thí sinh có giải tiếp tục tham gia các cuộc thi sắp tới, góp thêm những màu sắc đa dạng để các cuộc thi ngày càng hướng đến chiều sâu, chất lượng.
TÂM TRANG