Ông Sunak đối mặt sóng ngầm

Thứ hai, ngày 25/03/2024

(BDO) Đối mặt với làn sóng ngầm trong nội bộ đảng Bảo thủ muốn phế truất ông trước một cuộc tổng tuyển cử được cho là có thể diễn ra vào tháng 11-2024, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đồng thời phải chịu áp lực trước hàng loạt vấn đề khó khăn khác, kể cả việc nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ dự định không tái tranh cử vì “tương lai” ảm đạm...

Loạt vấn đề hóc búa

Khi câu chuyện gây tranh cãi về gói ngân sách năm 2024 của Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt tạm lắng, ông Sunak lại đối mặt với loạt những vấn đề “vừa cũ, vừa mới” khiến ông đau đầu, thậm chí có nguy cơ mất ghế.


Ông Rishi Sunak đang đau đầu trước nhiều vấn đề nội bộ.

Dư luận đặc biệt chỉ trích số 10 phố Downing do phản ứng không thích hợp trong vụ bê bối phát ngôn mang tính chất “kỳ thị chủng tộc” của tỉ phú Frank Hester, nhà tài trợ lớn nhất cho đảng Bảo thủ. Ông Hester đã đưa ra lời nhận xét vô cùng khiếm nhã đối với nữ nghị sĩ Diane Abbott khiến dư luận phẫn nộ và ngay cả các thành viên của đảng Bảo thủ cũng không chấp nhận được. Cựu Bộ trưởng Tài chính George Osborne cho rằng phát ngôn của ông Hesper mang tính chất “kỳ thị chủng tộc” và điều đó đã xúc phạm tất cả phụ nữ da đen ở Anh.

Phản ứng của Thủ tướng Sunak và Chính phủ Anh đối với phát ngôn tai hại của ông Hester ban đầu là để bảo vệ người của họ, cho đến khi Bộ trưởng Nội các Kemi Badenoch công khai gọi phát ngôn đó là “phân biệt chủng tộc”. 2 giờ sau, khi mọi việc đã quá muộn, ông Sunak mới lên tiếng đồng ý rằng những nhận xét đó thực sự “mang tính phân biệt chủng tộc và sai trái”. Tuy nhiên, thái độ này đã gây ra bất lợi rõ ràng đối với ông trong tham vọng dẫn dắt đảng Bảo thủ bước vào cuộc bầu cử quốc hội sắp tới, bởi không chỉ ông chọc giận phụ nữ da đen mà còn khiến nhiều phụ nữ khác cảm thấy ông không quan tâm đến phụ nữ, đồng thời các đảng đối lập sẽ lợi dụng vấn đề này để tấn công đảng Bảo thủ và cá nhân ông.

Vụ việc nghiêm trọng thứ hai là việc cựu Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Lee Anderson bị đình chỉ chức vụ vì cáo buộc bài Hồi giáo, đã đào tẩu sang đảng cánh hữu dân túy Reform UK hôm 11/3. Đây cũng được xem là một thất bại nữa đối với Thủ tướng Rishi Sunak. Nguyên nhân khiến ông Anderson bị đình chỉ chức vụ đảng là vì ông đã buông lời nhận xét sâu cay về Thị trưởng London Sadiq Khan liên quan đến chính sách của ông đối với người theo Hồi giáo (mà bản thân ông Khan cũng là người Hồi giáo).

Động thái hôm 11/3 của ông Lee Anderso diễn ra vài tháng trước cuộc bầu cử quốc hội, trong đó đảng Reform dự kiến sẽ thu hút phiếu bầu từ đảng Bảo thủ và vì vậy được cho là đe dọa nỗ lực tái tranh cử của ông Sunak. Việc ông Lee Anderson đào thoát sang đảng Reform khiến cánh hữu của đảng Bảo thủ tức giận, đây là những người cho rằng lẽ ra ông ta không nên bị đình chỉ chức vụ, trong khi những người còn lại tin rằng việc ông Sunak đánh giá cao và để cho ông ta nắm giữ chức vụ lãnh đạo đảng là sai lầm.

Một trong những “dự án” mà ông Sunak tự đặt mục tiêu phải hoàn thành ngay từ những ngày đầu lên làm thủ tướng là việc thông qua “dự luật Rwanda”, tức dự luật di chuyển những người tị nạn từ Trung Đông sang quốc gia thứ ba là Rwanda ở châu Phi. Đây là dự án luật để lại từ thời ông Boris Johnson làm thủ tướng cho đến bà Liz Truss đều không thông qua được. Thế nhưng, kỳ vọng của ông Sunak đối với dự luật này cũng đi vào ngõ cụt với việc Hạ viện tiếp tục hoãn xem xét thông qua sau sự cố của ông Lee Anderson.

Giữa sự bi quan đã xuất hiện tin đồn về âm mưu lật đổ ông Sunak. Tờ Daily Mail đã dẫn đầu trang nhất của mình vào hôm 9/3 với bài nói về âm mưu thay thế ông Sunak bằng lãnh đạo Hạ viện Penny Mordaunt “trong vài tuần tới”. Và, lần đầu tiên, ngay cả nhóm thành viên trung tả của đảng cũng nhìn nhận rằng ông Sunak có khả năng không trụ được đến kỳ bầu cử sắp tới. Tuy nhiên, đại đa số các nghị sĩ của đảng Bảo thủ tin rằng việc có thêm một sự thay đổi lãnh đạo nữa sẽ là điều điên rồ và chắc chắn nó sẽ đẩy nhanh việc tổ chức bầu cử, dẫn đến hậu quả là đảng này sẽ mất càng nhiều ghế.

Các đồng minh của ông Sunak đang tập hợp đứng phía sau ông. Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Mark Harper đã nói với các nghị sĩ rằng hãy “tin tưởng một chút” vào thủ tướng và hãy nhớ rằng “chính trị là một trò chơi đồng đội”. Một bộ trưởng nội các khác, người nói rằng sẽ là “thảm họa hoàn toàn” nếu đảng Bảo thủ tổ chức thêm một cuộc tranh giành lãnh đạo nữa, cảnh báo: “Nếu chúng ta muốn trở thành một chính phủ đáng tin cậy, chúng ta cần phải ngăn chặn sự nổi loạn này, chỉnh đốn hàng ngũ và đứng phía sau người lãnh đạo”.

Tình hình này cho thấy, sau 14 năm lãnh đạo đất nước, với 5 nhà lãnh đạo khác nhau, đảng Bảo thủ có dấu hiệu “xuống sức” và bị chia rẽ trầm trọng. Nhiều nghị sĩ cấp cao nhất trong hàng ngũ của họ thừa nhận một cách riêng tư rằng họ quá bị chia rẽ bởi các phe phái để có thể tập hợp bất kỳ nỗ lực thực sự nào nhằm đoàn kết trong bối cảnh hỗn loạn đang ngày càng tăng. Sự hỗn loạn còn được thể hiện với việc có gần 100 nghị sĩ không muốn tiếp tục công việc vì chán nản. Cho đến nay, 98 nghị sĩ đã công bố ý định từ chức, đa số là đảng Bảo thủ. Sự chán nản trong công việc nghị sĩ nói chung, nhưng với các nghị sĩ đảng Bảo thủ thì việc này còn được bồi thêm một thực tế tình hình rối rắm trong đảng. Một số nghị sĩ cho rằng “thà nghỉ trước còn hơn bị thất cử”.

Thủ tướng Sunak tin rằng, điều tốt nhất ông có thể làm là đợi đến mùa thu năm nay (khoảng tháng 11), khi những chồi xanh của sự phục hồi kinh tế có thể bắt đầu xuất hiện. Một thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ cho biết: “Chúng ta cần phải ngồi yên và chờ đợi nền kinh tế chuyển biến”.

Theo TTXVN