Ông Phạm Trọng Nhân, Phó Trưởng đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình Dương: Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác

Thứ ba, ngày 06/06/2017

Hôm qua (5-6), Quốc hội (QH) dành thời gian cả ngày tho luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an ton thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Đã có nhiu ý kiến của các vị đi biểu QH xung quanh vấn đnày. Đi biểu Phm Trọng Nhân (ảnh), Phó Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Bình Dương đã tham gia phát biểu ý kiến ti hi trường. Báo Bình Dương xin giới thiệu ni dung ý kiến của ông Phạm Trọng Nhân.

(BDO)

Qua nghiên cứu, tôi rất đồng tình với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát của QH và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong chỉ đạo thực hiện các chính sách pháp luật về ATTP, đặc biệt là những cố gắng của các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh để bảo đảm ATTP cho cộng đồng.

Tuy đã rất trách nhiệm, nhưng tôi nghĩ báo cáo vẫn khó thể hiện hết một cách toàn diện và sâu sắc bức tranh về tình hình ATTP hiện nay. Những gì chúng ta biết và xử lý được vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng.

Thực tế không khó để tìm thông tin về các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mà mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Hàng loạt các vụ phát hiện bắt giữ thực phẩm quá hạn không nguồn gốc, thịt, nội tạng động vật hôi thối nhập về từ biên giới Trung Quốc. Gần đây nhất, vào ngày 21-5 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ 45 tấn tóp mỡ động vật bốc mùi, có cả dòi bên trong đang trên đường đi tiêu thụ. Trước đó là hàng loạt thông tin về chế biến măng chua bằng chất tẩy trắng, chất nhuộm vàng công nghiệp; dùng thuốc trừ cỏ để bảo quản và thúc ép chuối chín; làm giá đỗ bằng hóa chất không rõ nguồn gốc; dùng hóa chất để chế biến bì heo; hay xử lý để biến thịt bò, thịt heo hôi thối thành khô bò, chà bông và vô số các vụ việc khác. Có thể nói hóa chất độc hại, chất cấm và thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào. Câu hỏi đặt ra những hóa chất đó đến từ đâu?

Theo số liệu báo cáo tại diễn đàn chính sách “ATTP ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”, cho thấy hàng năm, Việt Nam bỏ ra không dưới 770 triệu USD để nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 chủng loại khác nhau và có đến 90% trong số đó được nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là ở Trung Quốc chỉ có 630 loại thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu là 129 triệu USD, tăng 19,8% so cùng kỳ năm trước, đó là con số được cấp phép, còn số lượng được thông quan qua đường tiểu ngạch, nhập lậu từ biên giới vẫn không thể kiểm soát hết được. Đây là cái gốc của mọi nguyên nhân.

Số lượng hóa chất đó đi đâu, được sử dụng làm gì, câu trả lời xin dành cho các ngành chức năng. Liệu có quá khi nói rằng, chúng ta đang tự đầu độc chính mình. QH nghĩ gì khi báo cáo của Đoàn giám sát cho rằng: Mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì bệnh ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới, có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn.

Và một nguồn tin từ Văn phòng QH thực hiện phục vụ cho giám sát, khi trả lời câu hỏi về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, 53,4% người được hỏi đã trả lời không hợp lý và chưa hợp lý lắm. Cùng với câu hỏi trên, kết quả khảo sát của Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp đã thống kê: Có 73% cán bộ y tế, 60% cán bộ công thương và 57% cán bộ nông nghiệp cho rằng việc phân công trách nhiệm quản lý ATTP hiện nay là không hợp lý. Có thể thấy giữa người dân và cán bộ quản lý chuyên ngành đã có một sự tiệm cận về ý chí khi đánh giá công tác phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP hiện nay. Điều này không phải là không có lý.

Luật ATTP năm 2010 đã chuyển hoạt động quản lý ATTP sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm thay vì quản lý theo phân khúc sản xuất, kinh doanh, nhằm khắc phục sự chồng chéo trong quản lý, đồng thời xác định rõ hơn trách nhiệm của mỗi bộ, ngành trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, một số ngành hàng hiện vẫn có sự đan xen và không phân định rõ trách nhiệm thuộc bộ nào. Có thể đơn cử như việc quản lý chất lượng bún đang được cả 3 bộ chịu trách nhiệm. Nguyên liệu bột gạo ướt để làm bún thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm tinh bột thuộc về Bộ Công thương, sản phẩm bún trên thị trường nếu có chứa chất Tinopal gây ngộ độc cho người tiêu dùng thì trách nhiệm thuộc về Bộ Y tế.

Dẫn chứng trên chỉ nhằm một lần nữa nói lên thực trạng ATTP vẫn đang gây nhức nhối trong toàn xã hội nhưng vẫn chưa có được một giải pháp căn cơ, triệt để, bởi từ khâu nhập, mua bán, sử dụng đến kiểm soát người sản xuất, kinh doanh và cả chính sách quản lý vẫn còn quá nhiều hạn chế, bất cập. Chính vì vậy, tôi rất đồng tình với những nhận định, phân tích đánh giá và đề xuất các giải pháp mà Đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo, về quản lý nhà nước tôi cho rằng như vậy khá đủ, tuy nhiên dường như vẫn còn rất cần một điều gì đó lên tiếng.

Chúng ta đã nhiều lần kêu gọi sự tử tế từ người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhưng những gì chúng ta nhận được chỉ là sự phản hồi yếu ớt do cái bóng quá lớn của lợi nhuận đã bao trùm lên ý chí và chi phối dẫn đến hành động thiếu lương tri của họ.

Chúng ta cũng đã chờ đợi đủ lâu để cùng nhau giải bài toán quản lý nhà nước về ATTP, thế nhưng cho đến nay đáp số của bài toán đó vẫn chưa có được kết quả như chúng ta mong đợi.

Một khi tấm lòng và sự kiên trì đã đến giới hạn thì lời giải cuối cùng và cần thiết lúc này đó chính là sự trừng trị nghiêm khắc nhất của pháp luật, trên hết là tinh thần nhập cuộc và thái độ tuyên chiến không khoan nhượng với thực phẩm bẩn của chính cộng đồng người tiêu dùng chúng ta.

Trong khi nguồn lực con người và kinh phí luôn có hạn thì sức mạnh ý chí, sự tỉnh táo và chung tay cộng đồng trách nhiệm của người tiêu dùng sẽ là một nguồn lực vô hạn, đủ mạnh để có thể chuyển hóa tình hình nếu chúng ta biết cách khơi nguồn.

Phải coi sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn là một tội ác. Thấy cái ác mà không lên tiếng đấu tranh, tố giác, nhắm mắt làm ngơ, chọn giải pháp an toàn cho mình thì có khác gì là sự thỏa hiệp, bắt tay với cái ác và cũng đáng bị lên án.

Tại diễn đàn hôm nay, tôi tha thiết kêu gọi tất cả những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lương tri, hãy có trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng, vì sự tồn vong của quốc gia, chấm dứt ngay những cách làm ăn gian dối bất chính. Nhân dân hãy tỏ rõ thái độ khi chứng kiến thực phẩm mất an toàn và mạnh dạn lên tiếng tố giác, đấu tranh tới cùng với hành động sai trái trong ATTP. Hãy trả lại cho xã hội môi trường an lành vốn có của nó. Tôi tin chắc rằng không một ai có thể thoát được tai mắt của nhân dân một khi nhân dân đã lên tiếng.

Chúng ta không đủ giàu để lại cho con cháu về tiền bạc và vật chất nhưng chúng ta đủ niềm tin, ý chí và hành động sáng suốt để kịp thời trao cho các cháu một đời sống tinh thần và khí chất khỏe mạnh, để đủ sức làm chủ tương lai. Đừng để những hạn chế, yếu kém của chính chúng ta hôm nay trở thành gánh nặng và trách nhiệm phải giải quyết cho thế hệ đời sau.