Ông Nguyễn Văn Khái (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng): “Những lời chỉ bảo, động viên của bác Đỗ Mười là động lực để tôi kiên trì phát triển kinh tế trang trại… ”

Thứ hai, ngày 08/10/2018

“Những lời chỉ bảo, động viên của bác Đỗ Mười là động lực để tôi kiên trì phát triển kinh tế trang trại cũng như vươn lên trong cuộc sống…”. Đó là chia sẻ của lão nông Nguyễn Văn Khái (Bảy Khái), thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng với phóng viên Báo Bình Dương trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ông Bảy Khái là một trong những nông dân của Bình Dương vinh dự và may mắn được gặp và nói chuyện với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong những lần đồng chí về thăm tỉnh Sông Bé - Bình Dương.

(BDO)

 Ông Nguyễn Văn Khái kể lại những câu chuyện xúc động trong những lần vinh dự được gặp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười với phóng viên Báo Bình Dương. Ảnh: P.V

 Một con người bình dị

Khi còn đương nhiệm, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhiều lần về thăm, làm việc với tỉnh Sông Bé - Bình Dương. Chỉ đạo và đánh giá cao những chủ trương, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp cũng được đồng chí quan tâm, đặc biệt là kinh tế trang trại. Những năm đầu của thế kỷ 21, Bình Dương là một trong những địa phương phát triển khá mạnh về kinh tế trang trại. Ông Bảy Khái là một trong những nông dân tiên phong trong thực hiện mô hình kinh tế trang trại và đã thành công với mô hình này. Ngoài ra, ông còn được biết đến là một nông dân năng động với việc ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học vào sản xuất, trong đó có mô hình tưới tự động cho vườn cây ăn trái được ông ứng dụng từ năm 2002. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều lãnh đạo Trung ương, các cấp, các ngành, chủ trang trại của nhiều địa phương đã đến tham quan mô hình của ông, trong đó có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng rãi, thoáng đãng được bao quanh với những loại cây ăn trái xanh mát, ông Bảy Khái xúc động nói về sự ra đi của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười: “Mặc dù biết sức khỏe của bác Đỗ Mười rất yếu nhưng đến khi đọc báo thấy bác mất, tôi không kìm được nước mắt. Đêm khuya hôm đó, tôi trằn trọc mãi không ngủ được, những câu chuyện, lời chỉ bảo, động viên của bác trong cuộc gặp gỡ cách đây 15 năm cứ xuất hiện mãi trong đầu tôi”. Theo lời ông Bảy Khái, năm 2003, được thông báo có đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ đến thăm mô hình trang trại của mình, ông rất tự hào vì không ngờ được rằng một người nông dân bình thường như ông lại được một đồng chí nguyên là lãnh đạo cao nhất của Đảng đến thăm. Ông nhớ lại, sáng hôm đó đoàn tham quan rất đông, có cả lãnh đạo của tỉnh và huyện, chưa bao giờ trang trại của ông được đón đoàn khách đông đến như vậy. Từ xa, ông đã nhận ra đồng chí Đỗ Mười với cách ăn mặc giản dị. “Lúc đó, nhìn bác Đỗ Mười rất mạnh khỏe và tinh anh”, ông Bảy Khái nói.

Điều làm cho ông Bảy Khái và các thành viên trong đoàn bất ngờ là đồng chí Đỗ Mười không bước ra tham quan vườn cây ngay mà bước thẳng đến một bà cụ đang nằm trên võng bên hiên nhà. Ông Bảy Khái nhanh chóng bước đến giới thiệu với đồng chí Đỗ Mười: “Thưa bác! Đây là mẹ con. Mẹ con là mẹ Việt Nam Anh hùng, có 3 con là liệt sĩ!”. Rồi ông giới thiệu với mẹ của mình rằng, người đứng trước mặt bà là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Sau đó, mẹ của ông mới hỏi đồng chí Đỗ Mười: “Thưa ông! Ông bao nhiêu tuổi”. Đồng chí Đỗ Mười đáp: “Thưa bà! Năm nay tôi 86 tuổi”. Sau khi biết tuổi của mẹ ông Bảy Khái, đồng chí Đỗ Mười mới tươi cười bảo: “Như vậy, giờ tôi gọi chị là chị. Chị cứ gọi tôi là chú”...

Điều làm cho ông Bảy Khái và các thành viên trong đoàn bất ngờ là đồng chí Đỗ Mười không bước ra tham quan vườn cây ngay mà bước thẳng đến một bà cụ đang nằm trên võng bên hiên nhà. Ông Bảy Khái nhanh chóng bước đến giới thiệu với đồng chí Đỗ Mười: “Thưa bác! Đây là mẹ con. Mẹ con là mẹ Việt Nam Anh hùng, có 3 con là liệt sĩ!”. Rồi ông giới thiệu với mẹ của mình rằng, người đứng trước mặt bà là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Sau đó, mẹ của ông mới hỏi đồng chí Đỗ Mười: “Thưa ông! Ông bao nhiêu tuổi”. Đồng chí Đỗ Mười đáp: “Thưa bà! Năm nay tôi 86 tuổi”. Sau khi biết tuổi của mẹ ông Bảy Khái, đồng chí Đỗ Mười tươi cười bảo: “Như vậy, giờ tôi gọi chị là chị. Chị cứ gọi tôi là chú”...

Trong suốt hơn một giờ đồng hồ, đồng chí Đỗ Mười cùng đoàn đã đi tham quan vườn cây, xưởng chế biến mủ cao su của trang trại ông Bảy Khái. Báo cáo với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông Bảy Khái cho biết, ông cũng như nhiều nông dân tiểu điền khác của Bình Dương cũng phải bỏ công sức lao động để có nguồn thu ổn định. Nhưng ông khác ở điểm là có kiến thức về khoa học kỹ thuật (ông Khái từng là giảng viên dạy toán), vì vậy ông đã xây dựng được hệ thống tưới tự động, vừa tiết kiệm chi phí tưới, đỡ tốn sức, vườn cây lại xanh tốt quanh năm. Từ sự thành công của mình, ông đã chuyển giao công nghệ này cho nhiều nông dân ở miền Nam, miền Trung. Không chỉ có vườn cây ăn trái, ông còn có hàng chục ha cao su, có xưởng chế biến mủ xuất khẩu bao tiêu mủ cho nhiều hộ dân trồng cao su xung quanh, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động. Có nguồn thu nhập ổn định, hàng năm ông lại ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn trong vùng. Ông Bảy Khái kể: “Khi nghe giới thiệu về mô hình trang trại và cuộc sống gia đình, bác Đỗ Mười rất đồng tình. Trước khi ra về, bác Đỗ Mười đã nói với các thành viên trong đoàn: Đây đúng là nông dân giỏi, không những sản xuất ra sản phẩm tốt, còn bao tiêu được sản phẩm và đóng góp cho xã hội”. Sau đó, đồng chí Đỗ Mười còn động viên ông Bảy Khái cố gắng lao động sản xuất, giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho xã hội; giúp đỡ các nông dân khác để cùng trở thành nông dân sản xuất giỏi, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Những tình cảm không phai

Với sự cố gắng liên tục không biết mệt mỏi của bản thân, ông Bảy Khái đã xây dựng mô hình kinh tế trang trại của mình phát triển bền vững. Ông đã được nhận nhiều danh hiệu thi đua của các cấp, các ngành, trong nước và cả khu vực Đông Nam Á. Ông Bảy Khái đã được nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ông nhớ lại, năm 2007 trong lần ra Hà Nội nhận Huân chương Lao động hạng ba, ông có dịp gặp lại đồng chí Đỗ Mười. Tại buổi lễ trao tặng, sau khi nhận huân chương, bước xuống sân khấu, đi ngang qua bàn đại biểu, ông rất bất ngờ khi thấy đồng chí Đỗ Mười đứng dậy bắt tay mình. Ông bất ngờ vì nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó tuy tuổi cao, bận nhiều việc, mà vẫn còn nhận ra một người nông dân trong hàng vạn nông dân như ông. Ông còn nhớ rõ khi đó đồng chí Đỗ Mười hỏi: “Mẹ của con giờ sức khỏe ra sao? Báo cho bác biết”. Ông thông báo là mẹ của mình do sức khỏe yếu nên đã mất. Đồng chí Đỗ Mười đã chia buồn cùng ông và khuyên ông cố gắng vượt qua nỗi đau, tiếp tục phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Sau lần gặp mặt đó, ông Bảy Khái không còn dịp nào được gặp lại đồng chí Đỗ Mười nữa. “Đối với một người nông dân như tôi, việc được gặp một người nguyên là lãnh đạo cao nhất của Đảng như bác Đỗ Mười là một niềm vinh hạnh rất lớn. Những hình ảnh, câu nói, lời động viên của bác vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi. Qua 15 năm, mô hình kinh tế trang trại của tôi nói riêng và của tỉnh nói chung có nhiều bước chuyển mới nhưng những lời động viên, lời chỉ bảo của bác trong 2 lần gặp mặt đã và luôn trở thành động lực để tôi gắn bó với mô hình trang trại, nâng cao hiệu quả sản xuất và vươn lên trong cuộc sống”, ông Bảy Khái xúc động nói rồi trầm ngâm hướng về vườn cây ăn trái của mình như đang nhớ về hình ảnh đồng chí Đỗ Mười trong lần đến thăm trang trại.

Ông Bảy Khái nhớ lại, năm 2007 trong lần ra Hà Nội nhận Huân chương Lao động hạng ba, ông có dịp gặp lại đồng chí Đỗ Mười. Tại buổi lễ trao tặng, sau khi nhận huân chương, bước xuống sân khấu, đi ngang qua bàn đại biểu, ông rất bất ngờ khi thấy đồng chí Đỗ Mười đứng dậy bắt tay mình. Ông bất ngờ vì nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi đó tuy tuổi đã cao, bận nhiều việc, mà vẫn còn nhận ra một người nông dân trong hàng vạn nông dân như ông. Ông còn nhớ rõ khi đó đồng chí Đỗ Mười hỏi: “Mẹ của con giờ sức khỏe ra sao? Báo cho bác biết”. Ông thông báo là mẹ của mình do sức khỏe yếu nên đã mất. Đồng chí Đỗ Mười đã chia buồn cùng ông và khuyên ông cố gắng vượt qua nỗi đau, tiếp tục phát triển sản xuất, vươn lên trong cuộc sống...

CAO SƠN