Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh: Tuyên truyền cho công nhân lao động hiểu rõ về cuộc bầu cử
Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, để công nhân lao động (CNLĐ) trên địa bàn tỉnh nhận thức sâu sắc về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 là sự kiện trọng đại của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, là ngày hội để nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, các cấp công đoàn trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền (CTTT).
Anh Bùi Thanh Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên công nhân Thanh Hương đang tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại Chi hội Thanh niên công nhân Thanh Hương (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
- Thưa ông, thời gian qua, CTTT về cuộc bầu cử đã được các cấp công đoàn trong tỉnh tiến hành ra sao?
(BDO) - Căn cứ Hướng dẫn số 169- HD/BTGTW ngày 15-1-2016 của Ban Tuyên giáo Trung ương; thực hiện Hướng dẫn số 05-HD/BTGTU ngày 22-1- 2016 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp một cách sâu rộng trong CNLĐ. LĐLĐ tỉnh xác định, thông qua công tác tuyên truyền làm cho CNLĐ nhận thức rõ mục đích, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện chính trị trọng đại này là tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng là đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân tại các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân năm 2016. Nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho CNLĐ về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bầu cử; tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn xã hội, bảo đảm thực hiện thành công cuộc bầu cử; chủ động đấu tranh có hiệu quả với những âm mưu, hoạt động chống phá, cản trở sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta; tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn các cấp về công tác bầu cử, bảo đảm phát huy dân chủ. Song song đó, CTTT phải bảo đảm cho CNLĐ nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả, tham gia tự giác, tích cực, chủ động để cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân. CTTT được tiến hành song song với lộ trình, bước đi của cuộc bầu cử (trước, trong và sau khi bầu cử), hỗ trợ đắc lực cho công tác triển khai bầu cử; góp phần cổ vũ, xây dựng tinh thần đoàn kết. Trong quá trình tổ chức thực hiện CTTT, các cấp công đoàn còn phải gắn liền với triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đơn vị.
- Thưa ông, LĐLĐ tỉnh sẽ lựa chọn nội dung tuyên truyền như thế nào cho phù hợp với đối tượng CNLĐ?
- Nội dung được các cấp công đoàn lựa chọn là đẩy mạnh tuyên truyền đến CNLĐ về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015; về vị trí của Quốc hội; vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Nội dung tuyên truyền tập trung động viên CNLĐ tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử; mỗi cán bộ công đoàn phải là người gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tuyên truyền, vận động CNLĐ, đoàn viên công đoàn tích cực tham gia bầu cử. Nội dung tuyên truyền cũng nêu cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu và hành động phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực cơ hội, thù địch; phê phán, uốn nắn những biểu hiện mất dân chủ, những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền bầu cử, ứng cử của công dân; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cuộc bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để CNLĐ thực hiện đầy đủ quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.
- Thưa ông, CTTT trong CNLĐ hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn, các cấp công đoàn sẽ có những hình thức tuyên truyền về cuộc bầu cử như thế nào để bảo đảm CTTT được thực hiện tốt?
- Các công đoàn cơ sở sẽ khai thác, tăng cường sử dụng có hiệu quả hoạt động của hệ thống phát thanh, truyền thanh nội bộ để phục vụ công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thông tin các nội dung văn bản pháp luật trên các bảng thông tin ở cơ sở; thực hiện treo băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền trên các khu vực công cộng, khu tập trung đông CNLĐ... Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tổ chức cho CNLĐ nghiên cứu, học tập, trao đổi dưới nhiều hình thức về những nội dung cần thiết của cuộc bầu cử như vai trò của Quốc hội trong bộ máy Nhà nước, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 2015; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân trong việc tham gia các hoạt động bầu cử. Đồng thời, các cấp công đoàn sẽ phát động các phong trào thi đua yêu nước trong CNLĐ lập thành tích chào mừng kỷ niệm các ngày lễ 30-4, 1-5 và 19-5, gắn với các hoạt động tuyên truyền Tháng Công nhân năm 2016 với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
- Xin cảm ơn ông!
THU THẢO