Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND Tp.Thuận An: Các lãnh đạo tiền nhiệm đã nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành đưa thành phố phát triển...

Thứ bảy, ngày 05/09/2020

(BDO) Theo ông Tâm, sau khi tách ra từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã chọn Thuận An làm nơi thí điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với mô hình xây dựng khu công nghiệp, khi đó là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Việc xây dựng khu công nghiệp đặt vấn đề cho Thuận An trong công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong đó hạ tầng kỹ thuật là ưu tiên hàng đầu, yếu tố giao thông phải được chú trọng. Chính vì vậy, đến nay, hệ thống giao thông của TP.Thuận An được đầu tư đồng bộ hơn so với nhiều địa phương khác. Điều đó cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của các lãnh đạo tiền nhiệm địa phương trong việc “hấp thụ” và triển khai rất tốt và hiệu quả chủ trương phát triển của tỉnh. Việc phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội điện, nước, đường, trường học, bệnh viện… được quan tâm đầu tư đã giúp Thuận An phát triển một cách ngoạn mục. So với giai đoạn phát triển ban đầu với xuất phát điểm là một huyện nghèo, đến nay, Thuận An đã trở thành một địa phương phát triển hàng đầu của tỉnh. Có thể khẳng định Thuận An đã trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh. Điều này cũng khẳng định tầm nhìn của lãnh đạo tỉnh cùng với sự năng động, sáng tạo và đoàn kết, vượt khó của các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, đặc biệt là vai trò người đứng đầu của TP.Thuận An góp phần vào việc đưa thành phố phát triển như ngày nay. Cụ thể, 15 năm trở lại đây là giai đoạn “phát triển vàng” mạnh mẽ nhất của Thuận An. Thuận An trở thành địa phương đóng góp ngân sách đứng đầu của tỉnh, với quy mô phát triển, tăng trưởng cao. Điểm nổi bật nhất của Thuận An là phát triển công nghiệp song song với phát triển thương mại - dịch vụ - đô thị.

Tuy phát triển thương mại - dịch vụ - đô thị chưa thể sánh với phát triển công nghiệp nhưng lĩnh vực này đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong việc tạo việc làm cho lao động. Có thể nói trong 15 năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị hóa của Thuận An rất mạnh mẽ, công nghiệp phát triển kéo theo đô thị phát triển, tạo được sự đồng thuận rất lớn từ người dân đối với sự phát triển của địa phương. Các thành phần kinh tế của thành phố đang phát triển rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng phát sinh nhiều vấn đề đáng quan tâm. Nếu như năm 2011, Thuận An chỉ có 380.000 người thì đến nay đã có 650.000 dân. Dân số tăng cao vừa là cơ hội để phát triển vừa trở thành những thách thức lớn về vấn đề nhà ở, việc làm, môi trường, giáo dục, y tế, an ninh trật tự. Với quy mô dân số tăng mạnh cùng những thách thức khác nhưng Thuận An vẫn giữ vững sự phát triển và ổn định đến nay. Ngoài ra, trong quá trình phát triển của thành phố cũng tồn tại một số hạn chế, như: Xây dựng nhà ở không phép, sai phép, sai quy hoạch đã xảy ra. Hiện TP.Thuận An cũng đã và đang khắc phục khá tốt các hạn chế này... Điều này chứng tỏ các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm đã nỗ lực rất nhiều để đưa thành phố phát triển về mọi mặt.

Quan điểm của thành phố là phải xem những thành tựu đạt được trong thời gian qua, cũng như những vấn đề hạn chế, tồn tại là bài học kinh nghiệm để bảo đảm thành phố phát triển nhanh về sau. Khi có quy hoạch phải vận động, huy động tối đa các nguồn lực kinh tế để phục vụ cho công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời nâng cao ý thức trong cộng đồng để các tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Hiện nay TP.Thuận An đang trong “giai đoạn chuyển mình”, đòi hỏi Thuận An tập trung nâng cao chất lượng đô thị, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà mục đích cuối cùng chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

 MINH DUY (lược ghi)