Ông Nguyễn Sinh Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng bầu cử

Thứ ba, ngày 24/11/2015

(BDO)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Với đa số đại biểu Quốc hội có mặt tại Hội trường tán thành, chiều 24-11, Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; nghe tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Thư ký Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã trình bày Báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Báo cáo cho thấy, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đều nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giới thiệu ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Có 1 ý kiến đề nghị báo cáo thêm những người tham gia Hội đồng Bầu cử Quốc gia có được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV hay không.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân không quy định thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia không được ứng cử đại biểu Quốc hội.

Chỉ có Điều 27 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân quy định “Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.”

Như vậy thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia mà đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội thì vẫn được ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Ngay sau đó, với 91,70% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia là ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách thành viên Ban kiểm phiếu. Danh sách Ban kiểm phiếu gồm 21 thành viên do ông Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận) là trưởng ban. 100% đại biểu Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu.

Trưởng Ban kiểm phiếu đã phổ biến thể lệ bỏ phiếu. Sau đó, Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Kết quả với đa số phiếu tán thành, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng được bầu là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia.

Các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm: bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia gồm 16 thành viên: bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng; ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng; ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Nguyễn Thị Nương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng thư ký Quốc hội.

Tờ trình nêu rõ: Căn cứ Điều 98 và 99 của Luật Tổ chức Quốc hội quy định Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Thực hiện các quy định nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu ​ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp để Quốc hội bầu giữ chức vụ Tổng Thư ký Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Sau đó, các đoàn đại biểu Quốc hội thảo luận về: đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; dự kiến nhân sự Tổng Thư ký Quốc hội.

Ngày mai 25-11, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình./. 

Theo TTXVN