Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi Nhánh Bình Dương: Nghị định 96 - công cụ hiệu quả hạn chế tình trạng máy ATM hết tiền
Với quy định xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, đặc biệt là ngân hàng (NH) nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền sẽ bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Nội dung này trong Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 96) đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn những tranh luận cho rằng, mức độ xử phạt chưa đủ sức răn đe; mức tiền phạt phải cao lên gấp nhiều lần mỗi khi máy ATM hết tiền thật sự thì mới làm NH ngán ngại khi phải bảo đảm không để xảy ra hiện tượng thiếu tiền trong máy ATM. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường (ảnh), Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Dương cho biết:
(BDO) Thời gian qua, mục đích của Chính phủ khi xây dựng chương trình trả lương qua tài khoản là để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy quá trình luân chuyển vốn trong nền kinh tế, giúp các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân giảm chi phí, an toàn trong các hoạt động thanh toán, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh… Tại Bình Dương, tình hình triển khai, mở rộng mạng lưới ATM, POS, phát hành thẻ ATM đạt kết quả khả quan. Hiện Bình Dương có trên 1 triệu thẻ ATM và 650 máy ATM, 1.032 máy POS; trong đó các NH lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Đông Á chiếm phần lớn.
Điều đáng mừng là doanh số thanh toán qua thẻ ngày càng tăng, doanh thu từ dịch vụ của NH tăng trưởng trung bình khoảng 10%/năm; lợi nhuận bình quân từ dịch vụ đạt khoảng 22%/năm trên tổng lợi nhuận của NH. Dù các chỉ tiêu hoạt động từ dịch vụ ATM tăng trưởng qua từng năm nhưng thói quen của người dân là vẫn thích dùng tiền mặt để thanh toán nên cứ đến kỳ lĩnh lương là ra rút luôn, chính điều này đã làm hạn chế năng lực cung ứng của ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế hầu hết NH luôn chủ động trong các hoạt động, nhất là việc cung ứng tiền cho máy ATM chứ không chờ đến khi có xử phạt mới làm. Đây là một trong những công cụ quản lý hiệu quả nhằm giúp các NH nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ đối với hệ thống máy ATM, đồng thời cũng là giải pháp giúp các NH chủ động triển khai để bảo đảm chất lượng dịch vụ đối với khách hàng.
- Thưa ông, các máy ATM hết tiền quá thời hạn quy định được cụ thể là bao lâu?
- Điều này chưa được cụ thể trong quy định nhưng hiện nay nhiều NH có bộ phận trực để tiếp quỹ ATM vào những ngày nghỉ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có NH chưa thực hiện tốt điều này, ngược lại né tránh, hạn chế tiếp quỹ vì tiết kiệm phí; thay vì tiếp quỹ ngay khi máy sắp hết tiền thì lại đợi đến đúng lúc hết nhẵn tiền trong máy mới tiếp quỹ. Điều này gây ra khoảng thời gian máy ATM không còn tiền.
- Trường hợp máy ATM không đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng nhưng thông báo lỗi do yếu tố khách quan, vậy theo ông sẽ xử lý như thế nào?
- Như tôi đã nói, hiện nay thông qua hệ thống công nghệ theo dõi từ NH đến các máy, NH biết được máy ATM còn bao nhiêu tiền. Như vậy máy hết tiền chỉ có NH biết. Cho nên không loại trừ trường hợp NH “lách” bằng cách kéo dài thời gian tiếp quỹ thông qua việc cài đặt hệ thống thông báo tự động, lỗi hệ thống, máy bảo dưỡng… dẫn đến tình trạng khách hàng không rút được tiền. Tuy nhiên, NHNN có thể xác định nguyên nhân máy ATM hết tiền thông qua kiểm tra nhật ký quỹ hoạt động máy ATM. Từ đây có thể giải quyết khi có khiếu nại của khách hàng. Ngoài ra, Nghị định 96 đã quy định rõ, khi ngưng hoạt động máy ATM, NH phải thông báo thông tin bảo dưỡng máy ATM cụ thể về thời gian, ngày nào máy sẽ hoạt động trở lại; đồng thời có văn bản báo cáo NHNN để cơ quan quản lý nhà nước, người dân biết rõ.
- Quy định xử phạt 10 - 15 triệu đồng khi NH để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền liệu có thấp quá, không đủ sức răn đe các vi phạm tiếp diễn, thưa ông?
- Vấn đề thu cao hay thấp tôi không có ý tranh luận, bởi vì trong quá trình hoạt động giả sử nếu có sai phạm về ATM thì sẽ có rất nhiều hành vi vi phạm kéo theo. Ví dụ: NH không báo cáo về NHNN tỉnh, thành phố và không thông báo rộng rãi cho khách hàng biết trường hợp máy tự động ngừng hoạt động quá 24 giờ; không duy trì các bộ phận hỗ trợ khách hàng liên hệ để khiếu nại; không giám sát mức tồn quỹ của máy… Như vậy NHNN sẽ xử phạt nhiều hành vi vi phạm chứ không phải chỉ là hành vi chậm nộp tiền vào máy ATM.
Với 3 hành vi vi phạm trên cũng đủ để phạt 45 - 60 triệu đồng, thậm chí còn hơn thế nữa. Mặc dù số tiền xử phạt tương đối thấp tuy nhiên nó để lại hệ lụy rất lớn cho NH vì ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của NH, niềm tin của khách hàng… Mặt khác, ngoài việc bị xử phạt hành chính NH còn bị ảnh hưởng bởi chế tài xử phạt riêng của NHNN như không được xem xét mở rộng mạng lưới, hạn chế mở rộng một số tiện ích dịch vụ NH… Cho nên, theo tôi các NH rất ngán ngại trong việc này. Hy vọng những hệ lụy này, cũng như uy tín của chính mình, các NH thương mại sẽ lưu ý, tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ khách hàng tốt hơn.
- Thưa ông, người dân có thể khiếu nại các vấn đề về ATM ở địa chỉ nào?
- Hiện nay chúng tôi đang thành lập 4 tổ tiến hành kiểm tra các máy ATM và việc thực thi quy định của các NH. Tới đây chúng tôi cũng sẽ duy trì hoạt động này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng. Về việc tiếp quỹ không kịp thời, ngoài việc gọi đến đường dây nóng của NH được niêm yết tại trụ ATM, khách hàng có thể phản ánh đến số điện thoại 0650.3825833 để được giải quyết kịp thời.
- Xin cảm ơn ông!
THANH HỒNG (thực hiện)