Ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Minh bạch tạo ra sự đồng thuận

Thứ năm, ngày 18/10/2018

Huyện Dầu Tiếng là một trong những địa phương điển hình của tỉnh Bình Dương trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Quá trình xây dựng NTM của địa phương đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng.

(BDO)

 Hạ tầng giao thông huyện Dầu Tiếng ngày càng hoàn thiện. Ảnh: XUÂN VĨ

- Thưa ông, Dầu Tiếng có đặc điểm gì khác biệt so với các địa phương khác trong xây dựng NTM?

- Huyện Dầu Tiếng nằm cách TP.Thủ Dầu Một 50km, cách trung tâm TP.Hồ Chí Minh 80km, tạo cho Dầu Tiếng lợi thế phát triển kinh tế hướng ngoại. Thế mạnh của Dầu Tiếng là nông nghiệp và du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, nhân dân trong huyện có truyền thống cần cù, sáng tạo, “chịu thương, chịu khó”; có tư tưởng đổi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao... Đây có thế nói là thế mạnh của Dầu Tiếng khi bắt tay vào xây dựng NTM.

Trước và trong thực hiện xây dựng NTM, huyện Dầu Tiếng được tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh; bên cạnh đó còn có sự đầu tư tích cực của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Cùng với đó, toàn huyện có môi trường sinh thái ổn định, đời sống văn hóa tốt, an ninh trật tự được giữ vững, truyền thống đoàn kết nội bộ cao nên dễ tạo ra sự đồng thuận từ trên xuống trong công tác triển khai xây dựng NTM.

- Bên cạnh những đặc điểm nói trên, việc xây dựng NTM huyện Dầu Tiếng gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Thuận lợi trước hết đó là nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện về xây dựng NTM được nâng lên rõ rệt nhờ Huyện ủy xác định vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của dân trong xây dựng NTM. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng NTM ở các cấp trong huyện được kiện toàn và hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu quả. Cùng với đó, hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để địa phương thực hiện chương trình xây dựng NTM được xây dựng cơ bản, hoàn thiện.

Tuy vậy, quá trình xây dựng NTM địa phương cũng không tránh khỏi những khó khăn, bởi đặc điểm của Dầu Tiếng là huyện thuần nông, nằm xa trung tâm tỉnh, nên việc tiếp cận khoa học - công nghệ tiên tiến, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ trên địa bàn còn hạn chế. Bên cạnh đó, trình độ dân trí còn thấp so với các khu vực khác; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề cũng còn thấp, trong khi nhu cầu doanh nghiệp sử dụng lao động có tay nghề cao đang rất lớn. Hiện nay, vấn đề đào tạo nghề nông thôn đang được huyện rất quan tâm, vì ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, việc đào tạo nghề còn giúp người dân nông thôn có thêm việc làm, tăng thu nhập.

- Thưa ông, việc xây dựng NTM của huyện Dầu Tiếng đã mang lại lợi ích gì cho địa phương?

- Mọi người có thể nhìn thấy sự thay đổi của Dầu Tiếng qua từng thời kỳ, nhất là giai đoạn huyện nhà tăng tốc xây dựng NTM. Kết quả nổi bật là đến nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện ngày càng đồng bộ, hoàn thiện hơn, các thiết chế văn hóa, y tế, thể thao, giáo dục... cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; đời sống tinh thần và vật chất của người dân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện là 35,5 triệu đồng thì đến năm 2017 đã là 50 triệu đồng…

- Huyện Dầu Tiếng đã thực hiện xây dựng NTM đạt kết quả tốt. Xin ông cho biết huyện đã thực hiện những giải pháp gì để đạt kết quả nói trên?

- Trước hết, đó là huyện Dầu Tiếng đã thực hiện chương trình xây dựng NTM minh bạch, rõ ràng, từ đó đã tạo ra sự đồng thuận rất lớn từ nhân dân. Cụ thể là mọi việc làm huyện đều dựa trên nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tốt nhất vai trò của cộng đồng, quán triệt sâu sắc nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã lồng ghép các nguồn lực đầu tư, khuyến khích nhân dân cùng tham gia đầu tư với Nhà nước các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Theo đó, vốn người dân đóng góp để cho người dân tự tổ chức xây dựng, tự giám sát, chính quyền xã, ban lãnh đạo ấp không cất giữ tiền của dân; huyện không làm thay dân mà chỉ làm nhiệm vụ theo dõi, báo cáo để tránh sự nghi kỵ của người dân. Trường hợp huy động nguồn lực trong dân hết khả năng, UBND xã sẽ báo cáo về UBND huyện hỗ trợ ngân sách để bù đắp hoàn thành công trình.

Kinh nghiệm từ kết quả chương trình xây dựng NTM của huyện trong thời gian qua cho thấy bài học tập trung dân chủ, công khai, minh bạch là kinh nghiệm quý báu đối với địa phương. Việc làm này vừa thể hiện tính dân chủ vừa góp phần giảm áp lực từ nguồn ngân sách Nhà nước. Có thể thấy, việc có sự tham gia tích cực của nhân dân trong huyện cùng thực hiện xây dựng NTM nên các công trình trên địa bàn đều đem lại hiệu quả cao nhưng chi phí thấp…

- Xin cảm ơn ông!

XUÂN VĨ (thực hiện)