Ông Năm Nhường và những lần vinh dự gặp Bác Hồ

Thứ ba, ngày 12/05/2020

(BDO) Năm 1959, ông Phạm Văn Nhường (thường gọi là Năm Nhường, hiện ở phường An Thạnh, TP.Thuận An) là một trong số 25 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn B.90 - một đoàn vũ trang đặc biệt, có nhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, xây dựng cơ sở và soi mở đường để hình thành con đường chiến lược thông suốt Bắc - Nam ở cuối dãy Trường Sơn. Và, trong hành trình đầy gian lao ấy, Bác Hồ chính là động lực, niềm tin để ông và đồng đội lên đường làm nhiệm vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ.

 Ông Năm Nhường (trái), Đoàn B.90 từng mở từ miền Bắc vào và ông Hồ Minh Tâm, Đoàn C.200 mởđường từ miền Nam ra, gặp nhau tại Khu di tích Cây Xoài thuộc tỉnh Đắk Nông

 Nhớ mãi lời Bác dặn

Đã bao năm trôi qua, ngày sinh nhật Bác (19-5), cũng là ngày mà ông Năm Nhường rất đỗi tự hào. Bởi ngày này còn gắn với ngày thành lập Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn, mà ông là một trong những người góp phần tạo nên lịch sử chói lọi ấy. Ông Năm Nhường nguyên là cán bộ đoàn vũ trang tuyên truyền Sông Bé - Thủ Biên tập kết ra Bắc năm 1954.

Năm 1959, một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc bấy giờ là mở con đường hành lang chiến lược Bắc - Nam, thông suốt từ Trung ương đến chiến trường Nam bộ để miền Bắc kịp thời chi viện cho miền Nam về nhân, tài, vật lực. Được sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 559 (sau gọi là bộ đội Trường Sơn) để làm nhiệm vụ ấy. Theo đó, hành lang vận tải, liên lạc từ vĩ tuyến 17 đến Bắc Tây nguyên phát triển dựa theo đường mòn sẵn códọc dãy Trường Sơn được kiến thiết từ thời chống Pháp. Riêng đoạn từ Nam Tây nguyên vào Đông Nam bộ đang trong tình trạng chia cắt, còn là một vùng chưa có cơ sở cách mạng trong quần chúng. Các lực lượng kháng chiến đã nỗ lực mở vào vùng này nhưng chưa thực hiện được.

Để khắc phục tình trạng chiến trường bị chia cắt, đáp ứng yêu cầu cấp bách của việc nối liền hai chiến trường Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Ban Thống nhất Trung ương quyết định thành lập một đoàn vũ trang đặc biệt, cónhiệm vụ về miền Nam hợp nhất với lực lượng của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk, xây dựng cơ sở và soi mở đường, vào bắt liên lạc với lực lượng cách mạng của Xứ ủy Nam bộ, hình thành con đường chiến lược thông suốt Bắc - Nam ở cuối dãy Trường Sơn. Trung tướng Trần Văn Trà, PhóTổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng đoàn vũ trang đặc trách mở đường về Nam bộ, đólà Đoàn B.90 được thành lập.

Theo lời kể của ông Năm Nhường, dự kiến ban đầu quân số của đoàn mở đường gồm 50 cán bộ, chiến sĩ nhưng sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đoàn đầu tiên mở đường về Nam bộ phải thật gọn nhẹ, chủ yếu tinh về chất lượng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nhưng giữ vững nguyên tắc tuyệt đối bí mật, do đó số lượng rút lại còn 25 người. Ông Năm Nhường là một trong số 25 người ấy.

Trong những ngày tập trung tại Hà Nội để chuẩn bị vào Nam, ông Năm Nhường cùng 24 đồng chí ở Đoàn B.90 đã được gặp Bác Hồ ngay Phủ Chủ tịch. Ông Năm Nhường nhớ lại: “Mặc dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dành thì giờ gặp gỡ đoàn. Bác hỏi thăm sức khỏe dặn dò nhiều việc, cónhững việc mà cán bộ, đoàn viên của đoàn chưa biết, chưa hề nghĩ đến. Trong đó, có một câu nói của Bác Hồ mà sau 61 năm, tôi vẫn nhớ như in. Bác hỏi: “Các cháu về Nam làm gì?”. Cả đoàn đều đáp về miền Nam làm cách mạng. Lúc này, Bác mới ôn tồn nói: “Làm cách mạng là tốt, nhưng phải biết vận động nhân dân miền Nam làm cách mạng, nếu chỉ các cháu làm thì cách mạng không thể thành công”. Bác lại hỏi: “Về miền Nam các cháu làm gì trước?”. Mới được học Nghị quyết 15 nên anh em hăng hái trả lời theo nghị quyết. Nhưng Bác lại nói: “Những việc đólà tốt nhưng về Nam phải làm tốt trước việc đoàn kết”. Bác bảo phải đoàn kết giữa cái mới với cái cũ. Các cháu tập kết ra Bắc, gần Đảng và Chính phủ, được học tập lý luận nhưng thiếu kinh nghiệm thực tế. Các cô, chú ở lại miền Nam không đi tập kết, ít được học lý luận nhưng nhiều kinh nghiệm trong đấu tranh chống địch. Phải biết đoàn kết, bồi bổ cho nhau mới tạo thành sức mạnh chiến thắng quân thù. Bác cũng gửi lời chúc đồng bào miền Nam sức khỏe, đấu tranh thắng lợi, nước nhà mau thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà”. Ông Năm Nhường bảo, những lời Bác dạy, cả đoàn chăm chú lắng nghe và cũng cố khắc ghi hình dáng của Bác để về miền Nam kể lại cho đồng bào nghe. Bác còn dặn dòđoàn hành quân phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, giữgìn sức khỏe để đi đến đích.

“Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình”

Với tinh thần khẩn trương, chuẩn bị chu đáo, ngày 20-6- 1959, Đoàn B.90 lên đường vào Nam. Đây cũng là lần thứ hai, ông Năm Nhường được gặp Bác Hồ, khi Bác đến tiễn anh em trong đoàn về Nam làm nhiệm vụ. Ông Năm Nhường nói: “Trước khi lên đường, được gặp Bác là một hạnh phúc lớn lao với cán bộ, chiến sĩ trong đoàn. Những lời căn dặn của Bác đã cổ vũ, động viên cho các thành viên của đoàn khi bước vào cuộc chiến mới”. Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, vào Nam phải làm tốt trước việc “đoàn kết”, nên cả đoàn đã nghiêm túc làm theo trong suốt hành trình bám rừng, bám bản, soi mở đường vào Nam.

 Ông Năm Nhường (trái) và ông Năm Sĩ, hai người bạn chí cốt ở Đoàn B.90

Vừa qua, chúng tôi códịp cùng ông Năm Nhường và các cán bộ, chiến sĩ từng tham gia xây dựng cơ sở, soi mở đường năm xưa về thăm lại chiến trường xưa. Với họ, những người từng hoạt động ở vùng đất này đều cóchung cảm nhận: Nhờ có đồng bào đùm bọc, giúp đỡ, mới hoàn thành được nhiệm vụ.

Gần 60 năm gặp lại, những cái ôm thật chặt giữa các thành viên trong đoàn với đồng bào nơi đây khiến ai cũng rơm rớm nước mắt vì xúc động. Như lời K’Hoàng ở xã Nâm Nung (huyện K’Rông Nô, tỉnh Đắk Nông), nói: “Năm Sĩ, Năm Nhường nè... bạn chiến đấu của tui hồi trước đây mà. Thấy mấy ông còn sống, trở lại thăm tui, tui mừng lắm. Ráng sống thăm tui vài ba lần nữa nghen!”.

Ông Năm Nhường kể: “Những buổi đầu soi mở đường cực kỳ khó khăn. Các cán bộ, chiến sĩ bám sát từng dân, từng vùng rẫy, từng buôn làng, kiên trì vận động nhân dân, kêu gọi tinh thần đoàn kết dân tộc, cứu nước, cứu rừng, cứu dân tộc, giành độc lập tự do... Họ cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào. Cóngười đã tự nguyện làm con nuôi trong gia đình mắc bệnh phong để làm chỗ dựa công tác. Nhờ đó, các cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tạo được tình thương yêu gắn bó với nhân dân, đem ánh sáng cách mạng đến với đồng bào. Dần dần lực lượng trung kiên nòng cốt trong các buôn làng phát triển ngày càng đông, tin cậy và vững chắc. Con đường từng bước soi mở, nhích dần về Nam. Một nghĩa tình sắt son mà những cán bộ, chiến sĩ soi mở đường năm xưa không bao giờ quên, còn đồng bào ghi nhớ mãi.

Đó chính là nghĩa tình của sự“đoàn kết” mà Bác Hồ đã dạy. Đó chính lànghĩa tình thủy chung, son sắt “như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam. Bao núi bao sông bấy nghĩa bấy tình…”.

 THU THẢO