Ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh: Cải cách hành chính góp phần tạo môi trường hành chính thông thoáng, minh bạch, hiện đại

Thứ năm, ngày 20/07/2017

(BDO) Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa IX vừa qua, ông Mai Sơn Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ, đã trả lời chất vấn nhiều vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh và cử tri tỉnh nhà quan tâm. Trong đó có 3 vấn đề thuộc lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC). Trong số báo hôm nay, Báo Bình Dương xin giới thiệu đến bạn đọc.

Hiện đại hóa nền hành chính là yêu cầu bức thiết, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Trong ảnh: Quầy tiếp dân của Sở Tài nguyên - Môi trường tại Trung tâm Hành chính tỉnh

Hiện đại hóa nền hành chính

Nói về hiện đại hóa nền hành chính, ông Mai Sơn Dũng cho rằng, đây là 1 trong 6 nội dung của chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó tập trung đẩy mạnh hiện đại hóa công sở và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp. Trong những năm qua, nhằm thực hiện hiện đại hóa công sở, tỉnh đã đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở của các cơ quan hành chính trong tỉnh khang trang, sạch đẹp hơn. Các thiết bị làm việc, thiết bị văn phòng từng bước được đầu tư đồng bộ hơn. Đặc biệt là việc đưa vào hoạt động của Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương đã tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch của người dân, tổ chức, góp phần tạo dựng hình ảnh và vị thế của cơ quan hành chính văn minh, hiện đại của tỉnh.

Thực hiện chương trình Chính phủ điện tử và Chương trình CCHC giai đoạn 2016- 2020, việc ứng dụng CNTT trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính, giữa cơ quan hành chính Nhà nước với nhau và trong giao dịch với tổ chức, cá nhân tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt là ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng giải quyết nghiệp vụ. Từ đó đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, hiệu quả công tác giải quyết các TTHC, tạo môi trường hành chính thông thoáng, minh bạch, hiện đại, góp phần tinh giản được một số biên chế.

Mặc dù vậy, ông Mai Sơn Dũng cũng thừa nhận, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính Nhà nước còn một số khó khăn như: Đôi lúc chưa có sự đồng bộ giữa các địa phương, các ngành, các cấp, hiệu quả chưa cao. Trình độ CNTT của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, thói quen sử dụng văn bản giấy khi giải quyết công việc. Tính pháp lý của văn bản điện tử chưa cao khi còn tồn tại song song với văn bản giấy. Người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ trực tuyến trong thực hiện các giao dịch hành chính… Từ những thực trạng trên cho thấy, việc hiện đại hóa công sở và ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước đang trong giai đoạn từng bước được hoàn thiện. Vì vậy, song song với quá trình hiện đại hóa nền hành chính cần phải thực hiện đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất đạo đức, tinh thông nghiệp vụ, hoạt động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời kết hợp thực hiện tinh giản đối với những cán bộ, công chức còn hạn chế về năng lực.

Dịch vụ bưu chính công ích đạt hiệu quả cao

 Trả lời vấn đề tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, ông Mai Sơn Dũng cho hay, từ 2013, Bình Dương là một trong địa phương đầu tiên cả nước triển khai thí điểm “nhận” hồ sơ TTHC và “trả” kết quả qua bưu chính, góp phần ra đời Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngày 22-2-2017, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 527/ UBND-VX triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó giao Sở Nội vụ, Sở TTTT, Sở Tư pháp phối hợp các sở, ngành và Bưu điện tỉnh rà soát TTHC, chọn những TTHC thuộc các lĩnh vực: Đầu tư, đăng ký kinh doanh, tư pháp, đất đai, xây dựng, môi trường… và các TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tính đến nay, Sở Nội vụ, Sở TT-TT, Sở Tư pháp và Bưu điện tỉnh sau khi rà soát đã tham mưu UBND ban hành Kế hoạch số 1593/QĐ-UBND ngày 20-6-2017 về kế hoạch triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua Bưu điện giai đoạn 2017-2020. Theo đó, 975 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trung tâm Hành chính công và UBND cấp huyện và cấp xã sẽ được thực hiện qua 70 bưu cục của hệ thống bưu cục văn hóa cấp xã trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố.

 Trong năm 2017, tiến hành thí điểm triển khai tiếp nhận 90 TTHC (78 TTHC tại Trung tâm Hành chính công và 12 TTHC tại các địa phương) và trả 975 TTHC qua Bưu điện. Cuối mỗi năm, sẽ tiến hành sơ kết và lên kế hoạch thực hiện mở rộng từng năm, hướng đến năm 2020, tất cả 975 TTHC đều được tiếp nhận và trả kết quả qua hệ thống các bưu cục của Bưu điện tỉnh Bình Dương. Dự kiến, sau thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất và phương tiện, trang thiết bị của Bưu điện tỉnh, đến cuối tháng 7-2017, người dân và doanh nghiệp có thể lựa chọn đến trực tiếp 70 bưu cục trên địa bàn tỉnh để nộp hồ sơ TTHC và yêu cầu gửi kết quả đến tận nhà, tận địa chỉ doanh nghiệp thay vì đến cơ quan hành chính Nhà nước để giải quyết được TTHC. Điều này giúp tiết kiệm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC, mang lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 Kết quả đề án vị trí việc làm

Trả lời về kết quả xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm, ông Mai Sơn Dũng nói: Ngày 30-12-2013, UBND tỉnh Bình Dương có Công văn số 4069/ UBND-NC đề nghị Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của tỉnh. Ngày 31-12-2015, Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số 2022/QĐ-BNV phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tỉnh Bình Dương. Theo quyết định này, Bộ Nội vụ phê duyệt khung danh mục 317 vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Bình Dương và ngạch công chức tối thiểu tương ứng với từng vị trí việc làm. Danh mục các vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức hành chính tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, tại Quyết định nêu trên, Bộ Nội vụ giao cho UBND tỉnh chịu trách nhiệm hoàn thiện các nội dung của Đề án vị trí việc làm. Cụ thể là hoàn thiện các bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm theo danh mục đã được Bộ phê duyệt để làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức.

 Thực hiện yêu cầu của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã ban hành các văn bản hướng dẫn các sở, ngành, UBND cấp huyện tiến hành cho công chức kê khai công việc cá nhân, hoàn thiện các bản mô tả công việc của vị trí việc làm và khung năng lực của từng vị trí việc làm. Ngày 8-2-2017, Sở Nội vụ tiếp tục ban hành Công văn số 140/SNV-ĐTBC đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị khẩn trương hoàn thành các nội dung công việc nêu trên. Đến nay, có 19/21 sở, ngành và tương đương, 7/9 UBND cấp huyện đã gửi các bản mô tả công việc, xây dựng khung năng lực của từng vị trí việc làm về Sở Nội vụ. Thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tiếp tục xem xét, thẩm định, tổng hợp để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, đến nay, Bộ Nội vụ vẫn chưa có quyết định phê duyệt Đề án Vị trí việc làm các đơn vị sự nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, căn cứ các hướng dẫn của Bộ Nội vụ, khi xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm, tỉnh đều căn cứ vào các định mức theo quy định hiện hành đối với các vị trí việc làm (chủ yếu là đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề và y tế) để xác định số lượng người làm việc cần thiết.

Ông Mai Sơn Dũng khẳng định, qua công tác triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm của tỉnh trong thời gian qua cho thấy cơ cấu ngạch công chức trong từng cơ quan đơn vị hiện nay là tương đối phù hợp với vị trí việc làm. Đội ngũ cán bộ, công chức phần lớn đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, các kiến thức bổ trợ phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm. Với thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ, công chức trong tỉnh cần phải tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trong công việc để đáp ứng cho một nền hành chính hiện đại.

 

HỒ VĂN (ghi)

 

Từ khóa: