Ông Lò Văn Phương Bình: Vượt khó, ổn định cuộc sống
(BDO) Gặp ông Lò Văn Phương Bình, đồng bào dân tộc Thái ở khu phố 9, phường Chánh Nghĩa (TP.TDM) chúng tôi cảm phục trước tinh thần vượt khó, thoát nghèo của ông. Từ hai bàn tay trắng “cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc”, đến nay gia đình ông đã vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Lò Văn Phương Bình chăm sóc đàn heo con
Năm 1990, ông Lò Văn Phương Bình và vợ là bà Nguyễn Thị Điều quyết tâm xây dựng kinh tế gia đình. Không thể sống mãi trong cảnh nghèo, ông Bình tìm cách làm ăn và ý tưởng nuôi heo được hình thành. Không có tiền làm vốn, mỗi ngày ông để dành tiền chạy xe ba gác vào cái lon để dưới gầm giường. Sau thời gian dành dụm được số tiền kha khá, ông Bình đầu tư mua 2 con heo con. Ngày ngày ngoài việc chạy xe chở thuê, đêm đến ông Bình cặm cụi hái rau, thái chuối cho heo ăn… Cứ như thế từ 2 con heo con ông phát triển lên thành một đàn heo. Tận dụng thời gian rảnh không chạy xe, lúc trưa hoặc xế chiều ông chặt cây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi với diện tích 100m2 để nuôi thêm heo nái. Bên cạnh nuôi heo, ông còn tạo thêm thu nhập bằng cách trồng và bán hoa sứ kiểng. Từ đó gia đình ông Bình có thu nhập ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Nhờ chí thú làm ăn cùng với sự ủng hộ của chính quyền địa phương nên đến nay gia đình ông vẫn giữ vững nghề nuôi heo. Hiện nay, gia đình ông đang có 4 con heo nái, 2 đàn heo con và 6 con heo thịt. Thu nhập bình quân 1 năm của gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.
Đời sống ngày một nâng lên, ông Bình đã sửa, trang trí lại nhà cho khang trang, sạch đẹp hơn và mua sắm thêm vật dụng trong gia đình như: ti vi, tủ lạnh, xe máy. Con gái ông Bình đã hoàn thành xong chương trình đại học và làm việc trong công ty ở KCN Việt Nam - Singapore. Ông Bình cho biết: “Để có được cuộc sống khá giả như ngày hôm nay gia đình tôi đã trải qua bao khó khăn, vất vả. Vợ chồng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, không tài sản ruộng vườn, xuất phát điểm từlàm thuê làm mướn. Vì vậy gia đình tôi rất tiết kiệm. Thu nhập hàng tháng, chi tiêu hàng ngày đều có sổ sách theo dõi. Chính vì vậy sau bao nhiêu năm vất vảg iờđây kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Hiện nay, gia đình tôi chi tiêu rất chừng mực, chỉ chi tiêu những thứ cần thiết, không xa hoa lãng phí. Luôn học hỏi thêm kinh nghiệm chăn nuôi của những người đi trước, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Để có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của gia đình còn có sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, người thân. Tôi không biết lấy gì để tỏ lòng biết ơn, cố gắng chăm chỉ làm ăn, tạo dựng cuộc sống ngày càng vững chắc”.
K.HÀ