Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh: Phát huy thành tựu, vượt qua khó khăn để hoàn thành kế hoạch
Năm 2014, tuy tình hình chung không thuận lợi nhưng kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Bình Dương vẫn đạt hơn 1,6 tỷ đô la Mỹ, vượt hơn 60% so với kế hoạch đề ra. Để thấy rõ các giải pháp thu hút FDI hiệu quả trong năm 2014 và chuẩn bị cho năm 2015, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Thanh Cung (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh.
- Xin ông cho biết đánh giá về tình hình thu hút đầu tư trong năm 2014?
(BDO) - Năm 2014 Bình Dương gặp nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn chung của cả nước tác động. Đặc biệt là sự cố ngày 13-5 đã tác động lớn đến các nhà đầu tư trên địa bàn, nhưng lãnh đạo tỉnh đã xem xét rất có trách nhiệm, đánh giá lại tình hình và bàn những biện pháp hết sức cụ thể, sát với thực tế, vừa chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, vừa lắng nghe ý kiến phản ảnh, kiến nghị của tổng lãnh sự các nước, các hiệp hội và nhà đầu tư. Từ đó tỉnh đã đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết tình hình, vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả và hoàn thành kế hoạch năm 2014 trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI.
“Với một số đối tác truyền thống và công tác tiếp thị của tỉnh được chuẩn bị kỹ, tôi nghĩ rằng tình hình thu hút vốn FDI trong năm 2015 sẽ vượt kế hoạch đề ra, với dự kiến đạt trên 1,5 tỷ đô la Mỹ”. (Ông LÊ THANH CUNG, Chủ tịch UBND tỉnh)
|
Đặc biệt, thu hút FDI trong năm 2014 vượt kế hoạch hơn 65% có thể nói là thành tựu rất có ý nghĩa, tác động mạnh đến hình ảnh, môi trường đầu tư của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Điều này cũng cho thấy tỉnh đã làm hết sức khẩn trương, hết sức trách nhiệm về những giải pháp ổn định tình hình sau sự cố ngày 13-5 một cách nhanh nhất và toàn diện trên các lĩnh vực. Thể hiện rõ nhất là ở lĩnh vực ngoại giao, môi trường đầu tư, giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp và ổn định đời sống của công nhân để lập lại trật tự an toàn trên địa bàn. Qua đó tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đi vào ổn định, ký kết đơn hàng và thực hiện hợp đồng trong năm 2014 một cách tích cực và đạt chỉ tiêu cao nhất.
Vấn đề nữa là tỉnh đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ Bình Dương sử dụng gói tín dụng 50% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong sự cố ngày 13-5 được vay vốn đầu tư khắc phục những khó khăn để trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhờ vậy, đến đầu quý III-2014 tình hình sản xuất của các doanh nghiệp đi vào ổn định, đưa tăng trưởng quý III của tỉnh cao hơn quý II và tiếp tục đến quý IV cao hơn quý III. Những bước tăng trưởng này đã góp phần đưa tổng sản phẩm nội địa (GDP) của tỉnh năm 2014 tăng 13%.
Năm 2014, xuất khẩu của Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng tại kho cảng khô ICD TBS của Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình
- Thưa ông, Bình Dương có những giải pháp nào để tiếp tục tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong thời gian tới?
- Năm 2015 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015, do đó tỉnh tập trung vào một số lĩnh vực như: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối vùng và tạo sự thông thoáng từ nam đến bắc, từ đông sang tây để giúp các nhà đầu tư có những thuận lợi trong việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, năm 2015 tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quốc lộ 13 kết nối TP.HCM với trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh và tiếp tục mở rộng kéo dài đường Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến huyện Bàu Bàng - vùng công nghiệp tập trung, cũng là vùng phát triển đô thị của tỉnh; mở rộng đường ĐT743 để kết nối trung tâm TP.Thủ Dầu Một với huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giải quyết những nút thắt ở Sóng Thần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vận chuyển hàng hóa đi đến các cảng biển, sân bay trong khu vực với cự li gần hơn, nhanh hơn, giúp nâng cao hiệu quả cho các nhà đầu tư.
Vấn đề nữa là tỉnh hết sức quan tâm đầu tư phát triển mạnh dịch vụ, nhất là các dịch vụ cao cấp phục vụ cho nhà đầu tư, dịch vụ phục vụ cho quá trình đô thị hóa của tỉnh; khuyến khích những doanh nghiệp lớn của tỉnh tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng phát triển đô thị để tạo những điều kiện tốt nhất tác động đến quá trình công nghiệp hóa của tỉnh nhà.
- Ngoài tập trung hạ tầng và dịch vụ, tỉnh có giải pháp gì giúp doanh nghiệp ổn định cũng như nắm bắt cơ hội khi đầu tư, thưa ông?
- Vấn đề tỉnh hết sức quan tâm là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động. Số lượng công nhân ngoài tỉnh trên địa bàn hiện nay khoảng 860.000 người, Bình Dương đang vận động ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư sản xuất trên địa bàn, góp phần cùng với tỉnh thực hiện những công trình an sinh xã hội để phục vụ công nhân tốt hơn.
Vấn đề nữa là việc đón đầu Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một số hiệp định hiện nay Chính phủ đang đàm phán với các nước châu Âu, Nga, Belarus đã chuẩn bị khá tốt. Cụ thể, tỉnh đã quy hoạch khu công nghiệp quy mô 300 ha đất sạch và có khả năng mở rộng với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhằm tiếp đón nhà đầu tư khi nắm bắt cơ hội từ TPP, nhất là phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện tỉnh đã tiếp nhận nhiều dự án trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và sẽ tiếp tục đàm phán để thu hút nhiều hơn nữa nhằm phục vụ cho các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả khi đón nhận các hiệp định. Nói chung, lợi thế thì nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, Bình Dương quyết tâm khắc phục khó khăn để khai thác tối đa những lợi thế sẵn có, những cơ hội lớn để phát triển trong thời gian tới.
- Thu hút đầu tư hiệu quả nhờ chiến lược và định hướng đề ra sát với thực tế. Vậy năm 2015, Bình Dương đặt trọng tâm xúc tiến đầu tư thế nào, thưa ông?
- Trong năm 2015 tỉnh tiếp tục nhắm vào những thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số thị trường châu Âu như Ý, Hà Lan mà hiện nay tỉnh đang ký hợp tác phát triển với những thành phố lớn của các nước này. Bên cạnh đó khuyến khích nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn lớn mở rộng đầu tư tại tỉnh. Hiện đã có những tập đoàn lớn đầu tư và tiếp tục mở rộng trên địa bàn tỉnh như Tập đoàn Tokyu đầu tư 1,2 tỷ đô la Mỹ, đang dự kiến mở rộng; hay Tập đoàn AEON đã đầu tư đúng hướng và có hiệu quả, phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí của người dân… Hiện cũng đang đàm phán với nhiều tập đoàn lớn dự kiến đầu tư vào, trên cơ sở bảo đảm theo định hướng phát triển của tỉnh với cơ cấu vừa có công nghiệp, vừa có dịch vụ, vừa có những ngành công nghiệp phụ trợ để tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của nền công nghiệp Bình Dương trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn ông!
T.MINH (thực hiện)