Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Không để bất kỳ một trường hợp nào không dự thi vì lý do hoàn cảnh khó khăn”
(BDO) Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định gộp 2 kỳ thi: Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thành một kỳ thi chung. Việc tổ chức một kỳ thi với 2 mục đích là vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh (HS) và giảm gánh nặng cho xã hội. Về phía tỉnh, ngành GD-ĐT đã làm gì để chuẩn bị tâm thế cho HS lớp 12 trước những đổi mới trong kỳ thi năm nay? Ông Lê Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết những thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015?
- Ngày 26-2, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 02/2015/ TT-BGDĐT về Quy chế thi THPT quốc gia. Theo đó, từ năm học 2014- 2015 sẽ chỉ tổ chức một kỳ thi với 2 mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời dùng kết quả trong kỳ thi này để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số 5 môn còn lại là: Vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Để xét tuyển ĐH, CĐ, trước hết các em phải tốt nghiệp THPT và phải đăng ký dự thi tổ hợp các môn theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng.
- Với kỳ thi 2 trong 1, dự báo mức độ đề thi như thế nào, thưa ông?
- Theo quy chế thi, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi tiếp tục ra theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do kết quả kỳ thi dùng để xét tuyển sinh ĐH, CĐ nên đề thi sẽ có tính phân loại HS. Tuy nhiên, HS có sức học trung bình cũng không nên quá lo lắng, vì điều kiện xét tốt nghiệp gồm điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12.
- Thưa ông, kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT giao các trường ĐH chủ trì cụm thi, vậy thí sinh Bình Dương sẽ thi cụm nào?
- Bộ GD-ĐT đã công bố danh sách 38 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Theo đó, thí sinh Bình Dương sẽ dự thi cùng với thí sinh của TP.HCM, gồm quận Phú Nhuận và quận 10, tại cụm thi số 15 do trường Đại học Y Dược TP.HCM chủ trì. Quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT là tạo mọi điều kiện để 100% HS Bình Dương dự kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ, nhằm tạo nhiều cơ hội để các em lựa chọn ngành học, trường học phù hợp. Vì thế Bình Dương không tổ chức cụm thi tại địa phương. Với tinh thần đó, đến nay Sở GD-ĐT đã hoàn tất việc thu hồ sơ đăng ký dự thi và nhập dữ liệu của thí sinh vào phần mềm quản lý thi để bàn giao cho trường Đại học Y Dược TP.HCM. Theo thống kê, toàn tỉnh có 10.577 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 1.938 thí sinh tự do.
Thầy trò trường THPT An Mỹ (TP.Thủ Dầu Một) gấp rút ôn thi THPT quốc gia
- Với những đổi mới trong kỳ thi năm nay, Sở GD-ĐT đã làm gì để HS lớp 12 an tâm trước kỳ thi?
- Sở đã phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho HS lớp 12; hướng dẫn các em cân nhắc kỹ về yêu cầu đào tạo, cơ hội việc làm, khả năng học tập, điều kiện kinh tế gia đình, sở thích, đam mê... để chọn ngành nghề, chọn trường ĐH, CĐ phù hợp để nộp hồ sơ đăng ký nhập học. Ngoài ra, sở còn chỉ đạo các trường THPT, những Trung tâm Giáo dục thường xuyên tổ chức học tập quy chế cho cán bộ quản lý, giáo viên và HS, phổ biến quy chế thi đến phụ huynh HS.
- Công tác tổ chức ôn tập ở các trường được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Sau khi kết thúc học kỳ I, sở đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT, những Trung tâm Giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch ôn tập cho HS lớp 12, bảo đảm 100% HS được tổ chức ôn tập đầy đủ các môn học theo nguyện vọng đăng ký. Hoạt động ôn tập phải phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tập trung phụ đạo bồi dưỡng những HS có học lực yếu để các em đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Phân loại theo khả năng học tập và nguyện vọng đăng ký các môn thi tự chọn để sắp xếp các lớp thật khoa học, hợp lý, nhằm bồi dưỡng nâng cao, giúp các em đạt điểm cao để xét vào ĐH, CĐ. Nhà trường chú ý chọn, cử những giáo viên có tâm huyết, nhiệt tình, có kinh nghiệm để hướng dẫn ôn tập.
Để thống nhất trong việc tổ chức ôn tập, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo nâng cao chất lượng ôn tập đối với các môn: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và giáo viên. Giám đốc sở cũng đã ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác tổ chức ôn tập thi THPT quốc gia.
- Ông có lời khuyên gì đối với HS trước kỳ thi quan trọng này?
- Để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, tôi khuyên các em sắp xếp thời gian thật khoa học, hợp lý để kết hợp hài hòa giữa việc tổng ôn tập và nghỉ ngơi; giữ gìn sức khỏe thật tốt, tinh thần thật minh mẫn, bảo đảm chế độ ăn uống điều độ, chế độ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với phụ huynh, cần phối hợp với nhà trường trong việc quản lý, động viên, nhắc nhở con em mình ôn tập. Phối hợp với nhà trường trong việc hỗ trợ tổ chức đưa, đón các em HS dự thi ở TP.HCM. Trường hợp HS có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, thì Ban đại diện cha mẹ HS phối hợp với nhà trường tổ chức đưa, đón, ăn ở cho các em, không để bất kỳ một trường hợp nào không dự thi vì lý do hoàn cảnh khó khăn.
- Xin cảm ơn ông!
HỒNG THÁI (thực hiện)