Ông Huỳnh Văn Nhị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới, đô thị văn minh

Thứ ba, ngày 17/11/2015

(BDO) Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc; là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Văn Nhị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh về công tác mặt trận tại Bình Dương.

 - Thưa ông, sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ông có thể khái quát lại vai trò của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam?

- Xuất phát từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc, sau khi Đảng ta ra đời (3-2-1930), Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam được thành lập vào ngày 18-11- 1930 do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo. Các hình thức tổ chức hoạt động của mặt trận như: Hội Phản đế đồng minh (1930), Phản đế liên minh (1935), Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương (1938), Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế (1940), Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (1941), Hội Liêp hiệp quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1977), Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968), là sự vận dụng mềm dẻo, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với từng thời kỳ đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam; tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ông Huỳnh Văn Nhị (phải), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thăm và tặng quà cho ông Phan Văn Đương, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: H. PHẠM

Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, mặt trận không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc Việt Nam - một nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Mặt trận Việt Minh; đó là những cuộc chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945-1954 mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1954-1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Kế thừa và phát huy vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam qua các thời kỳ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay chủ trương phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ, ý thức hệ và chính kiến, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

- Thưa ông, MTTQ Việt Nam tỉnh trong thời gian qua đã có những nội dung, chương trình hoạt động nào tiêu biểu đóng góp vào tiến trình phát triển của địa phương?

- Là một địa phương được hội tụ bởi những người yêu nước thời kỳ mở đất, lại có khá đông công nhân của các làng nghề gốm sứ, nhà máy toa xe lửa, đồn điền cao su khi tư sản Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, nên ngay từ năm 1930, trên vùng đất Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương, đã thành lập các tổ chức cộng sản như Chi bộ Đề-pô xe lửa Dĩ An, Chi bộ Bình Nhâm... Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cộng sản trong giai đoạn này, công tác vận động quần chúng được coi trọng, từ đó phong trào yêu nước của các địa phương trong tỉnh đã ghi những dấu ấn quan trọng cả về lượng và chất, tiêu biểu là phong trào công nhân của Đề-pô xe lửa Dĩ An, phong trào đấu tranh của công nhân cao su Dầu Tiếng và các hoạt động đòi quyền dân sinh ở Lái Thiêu…

Kế thừa và phát huy truyền thống, khí phách anh hùng, gần 19 năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương đã tích cực góp phần, góp sức trong tổ chức thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tập trung các lĩnh vực trọng tâm, phong trào mới và những vấn đề được nhân dân quan tâm như xây dựng hệ thống mặt trận vững mạnh, nông thôn mới, đô thị văn minh, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, chăm lo giúp đỡ người nghèo, an sinh xã hội; huy động tốt mọi nguồn lực, tạo sự đồng thuận để đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từng bước hội nhập sâu rộng…

- Thưa ông, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực. Trong thời gian tới, phong trào này sẽ được đẩy mạnh như thế nào cho phù hợp với tiến trình phát triển, góp phần đưa Bình Dương trở thành thành phố văn minh, hiện đại?

- Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã góp phần thực hiện đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Là địa phương đi đầu trong cả nước sáng tạo triển khai nhiều mô hình tự quản đạt kết quả thiết thực, như: Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, khu nhà trọ văn hóa, tổ tự quản bảo vệ môi trường… Đây là công lao chung của toàn dân trong từng cộng đồng khu dân cư, là kết quả của sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Để tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức lễ phát động kêu gọi toàn thể nhân dân tiếp tục kế thừa và phát huy sáng tạo kết quả của cuộc vận động 20 năm qua, mở rộng, nâng cao chất lượng, thi đua hưởng ứng thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong năm 2016 và những năm tiếp theo; tập trung thực hiện các nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

- Xin cảm ơn ông! 

CAO SƠN (thực hiện)