Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế: Công tác kiểm soát bệnh tật sẽ tập trung đầu mối hơn

Thứ hai, ngày 01/07/2019

(BDO) Từ ngày 1-7-2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh sẽ chính thức đi vào hoạt động. Nhằm cung cấp cho bạn đọc những thông tin về trung tâm mới này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế về một số nội dung đáng quan tâm...

 - Việc thành lập Trung tâm KSBT tỉnh là một trong những nội dung thực hiện tinh gọn bộ máy mà tỉnh đang triển khai. Cụ thể, trung tâm được thành lập trên cơ sở nào?

- Việc thành lập Trung tâm KSBT tỉnh là một trong những nội dung thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình 77-CTr/TU ngày 11-5-2018 của Tỉnh ủy “Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/ TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Trung tâm KSBT tỉnh được thành lập trên cơ sở củng cố, phát triển mạng lưới y tế dự phòng theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối và xây dựng đội ngũ cán bộ viên chức có trình độ, năng lực, trách nhiệm. Trung tâm KSBT tỉnh hình thành từ sự sáp nhập các trung tâm y tế có cùng chức năng dự phòng để tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm khả năng dự báo, kiểm soát dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Hoạt động của trung tâm phải bảo đảm các nguyên tắc: Thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc sáp nhập phải bảo đảm tinh gọn, cơ cấu tổ chức hợp lý, khắc phục tình trạng nhiều đầu mối, dàn trải và trùng lắp. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức đáp ứng với tình hình thực tế của tỉnh. Triển khai thực hiện nghiêm túc, khách quan, công khai minh bạch đồng thời có lộ trình và bước đi phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm tránh gây xáo trộn hoạt động dự phòng và các chương trình, dự án có đầu tư nước ngoài. Ban đầu sẽ giữ nguyên không sáp nhập hai đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên 3 năm (từ 2019-2021) gồm: Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản.


Phòng, chống bệnh truyền nhiễm là một trong những hoạt động quan trọng của Trung tâm KSBT tỉnh sau khi sáp nhập

- Như vậy, hoạt động của Trung tâm KSBT tỉnh sau khi đi vào hoạt động có gì đổi mới không, thưa ông?

- Trung tâm KSBT sẽ thực hiện toàn bộ các chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm trước khi hợp nhất (các trung tâm trước khi hợp nhất, gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội và Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh). Điểm mới là có sự phối hợp chặt chẽ, tránh sự chồng chéo trong hoạt động dự phòng trước đây, hướng đến cải cách hành chính và nâng cao năng lực hoạt động dự phòng, góp phần thu gọn đầu mối, sử dụng hiệu quả hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, giúp Nhà nước tiết kiệm ngân sách.

- Ban đầu, việc chuẩn bị đểthành lập Trung tâm KSBT tỉnh có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông ?

- Đó là điều khó tránh khỏi. Ban đầu, việc hợp nhất các đơn vị thành một đơn vị đầu mối luôn gặp các trở ngại về cơ sở vật chất, trang thiết bị và sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong đó, khó khăn thường là vấn đề nhân sự. Tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước đó, như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức viên chức về việc tái cơ cấu tổ chức, thông tin công khai, minh bạch về vị trí việc làm… nên dù giảm gần 30% biên chế được giao, nhưng đến nay, tất cả viên chức tiếp tục công việc hay đồng ý tinh giản biên chế đều thống nhất và tự giác chấp hành.

- Một khi các hoạt động được tập trung về một mối, đương nhiên công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động kiểm soát bệnh tật trên địa bàn tỉnh thời gian tới cũng sẽ thuận lợi hơn. Ông kỳ vọng gì khi trung tâm này đi vào hoạt động?

- Đến nay, công tác chuẩn bị để đưa Trung tâm KSBT tỉnh đi vào hoạt động chính thức từ ngày 1-7-2019 đã hoàn tất.

Hệ thống y tế dự phòng Bình Dương hình thành từ khi tái lập tỉnh năm 1997, đã từng bước củng cố, phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Khống chế không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn, thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnh phong đã được thanh toán quy mô cấp huyện, loại trừ bệnh sốt rét; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng dưới 8%; chủ động phòng chống các bệnh không lây, các hoạt động quản lý chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho công nhân tại những khu công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Do vậy, tôi kỳ vọng khi Trung tâm KSBT tỉnh đi vào hoạt động phải bảo đảm kế thừa và phát huy các thành tựu đã đạt được, tiếp tục đổi mới về phương thức quản lý, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu dự phòng gắn với rèn luyện y đức, thực hiện tốt công tác phòng bệnh... để tiếp tục hoạt động ổn định, phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

 HỒNG THUẬN (thực hiện)