Ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh: Ghi nhớ công lao của Đại tướng Lê Đức Anh
“Hay lắm. Dữ dội. Cởi mở. Tình cảm”… Đó là những cụm từ mà ông Hồ Minh Phương, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cứ lặp đi, lặp lại trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi về Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chân dung một vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc.
(BDO)
Những kỷ niệm khó phai
Ông Hồ Minh Phương cho biết, mỗi khi có dịp gặp mặt, Đại tướng Lê Đức Anh luôn gọi ông bằng những từ ngữ rất thân mật, bình dân. Ông Hồ Minh Phương nói, với ông, Đại tướng Lê Đức Anh là “thế hệ đàn anh” và trong giai đoạn Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, ông có rất nhiều lần được gặp mặt. Nhiều lần ra Hà Nội công tác, ông vào tận nơi làm việc, nhà riêng ở Trạm 66. Rồi ông cũng nhiều lần gặp Đại tướng Lê Đức Anh khi đại tướng về thăm và làm việc với tỉnh Sông Bé. Có lần ông Hồ Minh Phương còn đi cùng trực thăng với Đại tướng Lê Đức Anh khảo sát Thác Mơ ở Phước Long. Đại tướng Lê Đức Anh có công rất lớn đối với chặng đường phát triển của Sông Bé - Bình Dương.
Chủ tịch nước Lê Đức Anh (bìa trái) và ông Hồ Minh Phương (bìa phải) thăm Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thanh Lễ năm 1995. Ảnh: XUÂN LỘC
Với Đại tướng Lê Đức Anh, ông Hồ Minh Phương có nhiều kỷ niệm khó phai. Đó là thời điểm khoảng năm 1995, Sông Bé xin giấy phép thành lập công ty sữa với tên gọi Foremost Việt Nam (nay được đổi tên thành Công ty Frieslandcampina Việt Nam). Lúc bấy giờ, việc liên doanh thành lập công ty chế biến sữa ở Sông Bé còn gặp những rào cản rất lớn, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ công ty sữa khác nên việc xin cấp phép thành lập công ty là điều tưởng chừng không thể. Ông Hồ Minh Phương cùng ông Nguyễn Văn Minh, trước đây là Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH - MTV (Công ty 3-2), năm lần, bảy lượt đi ra Trung ương để xin chủ trương. Trong tình thế khó khăn, ông Hồ Minh Phương đã tìm đến Đại tướng Lê Đức Anh để trình bày. Và bức thư tay do chính Đại tướng Lê Đức Anh viết được ký với cái tên Sáu Nam (tên thân mật của Đại tướng Lê Đức Anh) đã được gửi đến đồng chí Võ Văn Kiệt, khi ấy là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và đồng chí Phan Văn Khải là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Trong bức thư của Đại tướng Lê Đức Anh có đoạn: Đại tướng đã gắn bó rất lâu với vùng đất Sông Bé. Ở đây có vùng đất Lai Hưng, thuộc huyện Bến Cát chăn nuôi bò sữa rất nhiều, hoàn toàn thích hợp để xây dựng nhà máy chế biến sữa... Từ bức thư tay do chính Đại tướng Lê Đức Anh viết, công việc thành lập công ty đã thuận lợi hơn và giấy phép thành lập Foremost Việt Nam đã được cấp. Năm 1996, Foremost Việt Nam chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh Sông Bé. Sau này công ty còn mở rộng nhà máy ra tỉnh Hà Nam. Từ năm 1996 đến năm 2013, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đạt tổng doanh thu gần 6 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước trên 600 triệu USD. Góp phần hình thành và phát triển ngành chăn nuôi bò sữa ở Bình Dương và Hà Nam, cùng một số địa bàn lân cận ở 2 tỉnh này.
Câu chuyện thứ hai mà ông Hồ Minh Phương kể là việc xin chủ trương thành lập sân golf. Lúc ấy, việc xây dựng sân golf cũng rất khó, vì còn có quan điểm cho rằng, đây là môn thể thao của giới thượng lưu, chi phí chơi rất tốn kém, “sợ lãnh đạo… hư”. Ông Hồ Minh Phương cũng lại tìm đến chỗ thân cận của Đại tướng Lê Đức Anh lên tiếng giúp... Và hiện nay, Công ty Sân Golf Plalm Sông Bé, tổng vốn đầu tư 50 triệu USD đã tạo việc làm cho hơn 700 lao động; đóng góp ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Sân Golf Plalm Sông Bé đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả trong nước và quốc tế...
Lắng nghe và thấu hiểu
Theo ông Hồ Minh Phương, xuất thân ở quê hương Thừa Thiên - Huế, nhưng cả cuộc đời hoạt động cách mạng từ chống Pháp, cho đến chống Mỹ gắn liền với miền Nam nên Đại tướng Lê Đức Anh hiểu rất rõ miền Nam, có phong cách sống, làm việc phóng khoáng. Đại tướng Lê Đức Anh là một vị lãnh đạo có tầm nhìn xa, trông rộng. Với tính tình cởi mở nên trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, cùng có lợi, đưa Việt Nam mở rộng quan hệ với nước ngoài, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Và là người đã đi qua chiến tranh nên Đại tướng Lê Đức Anh thấu hiểu những mất mát, hy sinh của nhân dân. Đại tướng Lê Đức Anh luôn mong sao đời sống dân ta ngày càng đầy đủ, đất nước có hòa bình, ngày càng giàu mạnh, phát triển… Từ suy tư ấy, Đại tướng Lê Đức Anh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới các gia đình chính sách, những người bị thiệt thòi, nghèo khổ do hậu quả và di chứng chiến tranh. Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh chính là người ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
Bằng một chất giọng bùi ngùi, ông Hồ Minh Phương nói: “Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho đất nước. Một vị tướng, một nhà lãnh đạo tài giỏi, có bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng, mẫu mực, khiêm tốn, không tư lợi cho riêng mình...”.
THU THẢO