Ôn thi tốt nghiệp THPT môn toán

Thứ tư, ngày 14/05/2014

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 đang cận kề. Trong những ngày này, học sinh (HS) lớp 12 đang được thầy cô tích cực ôn tập, giúp các em vững tâm bước vào kỳ thi. Toán là một trong hai môn thi bắt buộc ở các kỳ thi tốt nghiệp và cũng là môn học nhiều HS ngán ngại. Giáo viên (GV) bộ môn ở một số trường đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức ôn tập cho HS đối với môn học này.

Theo kinh nghiệm của các GV tổ toán trường THPT Bình Phú (TP.TDM), tùy theo mỗi dạng toán, sau khi ôn tập các kiến thức cơ bản như các khái niệm, các tính chất và các công thức liên quan, GV giúp HS phân loại các dạng toán và phương pháp giải theo sơ đồ tư duy cho dễ nhớ. Trong mỗi trường hợp của mỗi dạng toán đều có bài tập mẫu, trong đó chỉ rõ các bước thực hiện và cách trình bày lời giải sao cho đạt điểm tối đa. Trong mỗi dạng toán, GV chỉ ra cho HS biết các sai sót mà các em thường gặp để rút kinh nghiệm.

HS trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) tích cực làm nhiều bài tập môn toán. Ảnh: H.T

Sau khi minh họa bằng các bài mẫu, GV kiểm tra sự tiếp thu của HS, sau đó cho các em tự giải các bài tập tương tự, yêu cầu HS nhận dạng, nêu các bước thực hiện và trình bày cách giải, qua đó GV uốn nắn những sai sót của HS. Các bài luyện tập chủ yếu là các bài tập cơ bản, các bài tập trong các đề thi tốt nghiệp của những năm trước và các bài tập tương tự. Với những HS thành thạo thì GV cho các em làm các bài tập khó hơn.

GV Nguyễn Thanh Tân, trường THPT Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) chia sẻ kinh nghiệm, với môn toán HS không phải nhớ quá nhiều như những môn khác. Dù không phải nhớ nhiều nhưng trước hết HS phải nhớ các định nghĩa, các tính chất, các định lý và các hệ quả. Để nhớ và hiểu sâu sắc các định nghĩa và định lý, phải làm nhiều bài tập. HS phải tự làm những bài tập từ dễ đến khó. Hãy kiên nhẫn học lại những điều rất cơ bản và làm cả những bài tập đơn giản. Chính những kiến thức cơ bản giúp các em hiểu được những điều nâng cao sau này. Chỉ cần nắm vững những vấn đề căn bản rồi bằng tư duy phân tích và tổng hợp các em có thể giải quyết được rất nhiều bài toán khó.

Cách học hiệu quả nhất là đối với mỗi phần lý thuyết cần phải giải ít nhất 4 lần bài tập, hai bài tập đầu giải theo kiểu áp dụng nguyên xi phần lý thuyết, hai bài tập sau nâng cao mức độ khó lên.

Các GV tổ toán - tin của trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TX.Tân Uyên) cũng chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn toán. Trước khi lên lớp GV cần chuẩn bị thật tốt hệ thống bài tập, giáo án, bảo đảm mục đích đã đề ra cho từng tiết dạy. Mỗi bài tập đều yêu cầu tính cẩn thận, nghiêm túc, kể cả những bài dễ, chú ý chữa lỗi của HS trong cách trình bày bài giải. GV nên quan tâm nhiều hơn đối với HS yếu, cố gắng dạy HS yếu giải được các bài toán cơ bản. GV tích cực sử dụng các phần mềm hỗ trợ bộ môn để giảng dạy. Xem trọng việc phân tích đề bài, phương pháp suy nghĩ để tìm lời giải, chuẩn mực trong từng bài giải, tránh qua loa, đại khái. Trong từng tiết dạy, GV chú ý chọn các bài tập phù hợp với sức học cho từng đối tượng HS.

Thầy Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Trung học Sở GD-ĐT đã nhắc nhở GV cần thực hiện ôn tập nhiều vòng. Nội dung tập trung vào kiến thức trọng tâm, không dàn trải, theo định hướng đề thi nhưng không ôn “tủ”. Trong mỗi tiết dạy cần có phần mở rộng nâng cao cho đối tượng HS trung bình - khá, khá - giỏi. Cần ra bài tập cho HS chuẩn bị trước khi lên lớp. Khi vào lớp chỉ cần sửa vài bài và ra thêm một số bài làm và sửa tại lớp nhằm gây hứng thú cho HS. Trong giờ học, GV phải làm việc với tất cả HS của lớp.

H.THÁI (ghi)