Ôn thi THPT Quốc gia môn lịch sử: “Bí kíp” giúp học sinh chinh phục điểm cao
(BDO) Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, chỉ riêng môn lịch sử tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình đứng hàng thứ 8 trong cả nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng thi, trước mùa thi năm nay, giáo viên bộ môn đã cùng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, cũng như hướng dẫn học sinh (HS) phương pháp ôn tập, phương pháp làm bài thi trắc nghiệm.
Nói về phương pháp giảng dạy, cô Phạm Thị Bích Nhuần, Tổ phó tổ nghiệp vụ bộ môn lịch sử Sở Giáo dục - Đào tạo, chia sẻ qua các kỳ thi THPT quốc gia cho thấy đề thường ra kiến thức trọng tâm. Do đó, khi ôn tập cô giúp HS nắm vững kiến thức cơ bản (kiến thức trọng tâm) để HS làm được những câu đạt điểm 5, đủ xét công nhận tốt nghiệp THPT, sau đó cô luyện cho HS làm bài tập trắc nghiệm. Trong quá trình giảng bài có những câu hỏi nâng cao, câu hỏi vận dụng cô lồng ghép giúp HS đăng ký thi để xét tuyển đại học giải quyết được những câu hỏi dạng này. Cô cũng tổ chức ôn thi dạng sơ đồ tư duy, ôn theo chuyên đề, HS sẽ nắm được kiến thức cơ bản dễ dàng hơn. Qua dự giờ ở một số trường, cô cũng học tập được một số kinh nghiệm trong tổ chức ôn thi THPT quốc gia từ các đồng nghiệp.
Học sinh tập trung ôn thi THPT quốc gia năm 2019
Với cô Huỳnh Hồng Hạnh, giáo viên trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một) cũng rút ra những kinh nghiệm giảng dạy và có những lời khuyên đối với HS trong ôn tập và làm bài thi trắc nghiệm. Cô nhắc nhở HS cần nắm được cấu trúc và chương trình cơ bản của đề thi từ các đề thi minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố. HS phải đọc kỹ sách giáo khoa và nắm vững những kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa, vì phần lớn kiến thức trong bài thi đều lấy từ sách giáo khoa. Các em cũng nên ôn lại kiến thức cơ bản bằng sơ đồ tư duy. Đối với việc tự ôn luyện ở nhà, sau khi học xong từng bài, từng chương, trên cơ sở tham khảo các tài liệu hướng dẫn ôn thi trắc nghiệm hiện hành và với sự hướng dẫn của giáo viên, các em nên tập làm các câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến bài đó, để ôn lại kiến thức đã học, làm quen với nhiều dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và luyện kỹ năng nhuần nhuyễn.
Để đạt kết quả tốt khi làm bài thi trắc nghiệm, các thầy cô cũng khuyên HS nên đọc qua tất cả các câu hỏi và đáp án của đề thi, tìm ra “từ khóa” và dùng bút chì khoanh tròn “từ khóa” để có thể chọn được đáp án chính xác. HS lưu ý câu hỏi dễ làm trước, câu hỏi khó làm sau, không nhất thiết phải làm theo số thứ tự của câu hỏi để tiết kiệm thời gian. “Chỉ có 50 phút để làm 40 câu hỏi, không dành nhiều thời gian cho một câu mà ảnh hưởng đến các câu khác, vì thời gian trung bình chỉ khoảng 1,25 phút/câu. Để làm tốt bài thi, các em cần phải đọc kỹ sách giáo khoa và nắm vững những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; tránh học tủ, vì kiến thức của 40 câu hỏi trải đều từ phần lịch sử thế giới đến lịch sử Việt Nam”, cô Hạnh đã nói như vậy. Cô cũng nhắc HS, nếu không nhớ chính xác hoặc không chắc chắn về đáp án thì dùng cách loại trừ, thay vì tìm đáp án đúng, các em thử tìm đáp án sai và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt. Nếu không còn cơ sở để loại trừ nữa thì các em hãy dùng cách phỏng đoán để chọn ra phương án có độ tin cậy hơn so với các đáp án còn lại.
Trong năm học 2018-2019, tổ nghiệp vụ bộ môn lịch sử Sở Giáo dục - Đào tạo thực hiện nhiều biện pháp, nhằm nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia ở bộ môn lịch sử và chất lượng thi đồng đều giữa các trường. Theo đó, tổ nghiệp vụ đã phân tích đề thi minh họa, đề thi THPT quốc gia các năm, biên soạn bộ đề để thống nhất ôn tập trong toàn tỉnh. Tổ nghiệp vụ còn tổ chức dự giờ ở các trường THPT, điều giáo viên ở những trường có điểm thi đạt kết quả cao sang giảng dạy ở những trường có điểm thấp để giáo viên rút kinh nghiệm trong giảng dạy. |
ÁNH SÁNG (ghi)