Ôn thi THPT quốc gia môn giáo dục công dân: Thầy dạy hết mình, trò học hết sức
(BDO) 3 năm nay, môn giáo dục công dân (GDCD) nằm trong các môn thi THPT quốc gia. Kể từ đó môn học này không còn bị xem nhẹ, bởi GDCD đã giáo dục học sinh làm người tử tế, cũng như trang bị cho học sinh những kiến thức về pháp luật và các kiến thức cần thiết khác.
Giáo viên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy và ôn tập môn giáo dục công dân
Qua các kỳ thi cho thấy học sinh (HS) chọn môn GDCD để dự thi THPT quốc gia và xét tuyển tương đối cao. Riêng tại Bình Dương, kết quả thi năm 2018 có 23/35 trường THPT trong tỉnh 100% HS đạt điểm trên trung bình. Tiếp tục nâng cao chất lượng kỳ thi, cuối tuần vừa qua giáo viên dạy môn GDCD trong tỉnh đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia năm 2019 ở môn học này.
Năm 2018, trường THPT Nguyễn Trãi (TX.Thuận An) là một trong số những trường có số HS đạt điểm cao ở môn GDCD. Theo cô Lê Thanh Huyền, giáo viên bộ môn, từ tháng 9 trường đã tổ chức dạy tăng tiết cho HS vào buổi chiều. Sau khi kết thúc thi học kỳ II giáo viên dạy tăng thêm 2 tiết nữa và tích cực ôn tập cho HS. Về phía giáo viên, thầy cô đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao qua những động thái để HS học tốt. Riêng cách làm của cô là buổi sáng dạy bài nào, chiều ôn tập bài đó. Sau khi cho HS ôn lại kiến thức cũ, cô cho HS làm bài tập trắc nghiệm, nội dung đề có cả chương trình lớp 11 và lớp 12, đồng thời cho các em giải các đề thi THPT quốc gia 2 năm 2017 và 2018. Thông thường, cô cho HS làm bài tập trắc nghiệm trong vòng 10 phút, HS làm đến đâu cô sửa bài ngay đến đó để HS rút kinh nghiệm.
Ban giám hiệu các trường THPT nhìn nhận, người giáo viên lên lớp dạy bằng tất cả nhiệt huyết thì HS sẽ học hết sức, không còn học kiểu đối phó và một khi chọn môn này thi quốc gia, các em dồn tất cả niềm đam mê vào môn học. Với thầy Nguyễn Văn Sang, giáo viên trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), trong quá trình giảng dạy, thầy luôn nhắc HS cần nắm chắc từ khóa, thuật ngữ trong lý thuyết để làm tốt bài trắc nghiệm. Khi làm bài tập nên chọn đáp án trong câu có những thuật ngữ, những từ khóa, phải xem nội dung câu hỏi là gì. Khi chọn đáp án phải giải thích được vì sao chọn, khi giải thích được đáp án là các em đã nắm được lý thuyết.
Thầy cũng chuẩn bị tài liệu cho HS học tập, nhưng không đưa đáp án mà để HS tự giải. Khi cho HS làm bài tập thầy luôn cân đối phù hợp với thời lượng thi, nhằm giúp HS phân bố thời gian làm bài hợp lý. Trong giờ làm bài tập thầy chỉ định bất kỳ HS trong lớp, như vậy các em sẽ chủ động học tập. Với những em trả lời đúng thầy động viên HS bằng cách cho dấu cộng, HS trả lời được 10 dấu cộng thầy sẽ quy ra điểm số từ 8 đến 10 điểm ở bài kiểm tra 15 phút. Đây là cách để kích thích HS cố gắng học tập.
Năm 2019, đề thi THPT quốc gia bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình cấp THPT, chủ yếu là lớp 12; bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển sinh. Theo đề thi các năm trước và đề minh họa năm 2019 Bộ Giáo dục - Đào tạo đã công bố, đề phân hóa kiến thức ở các mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Kinh nghiệm của cô Lương Thị Văn, giáo viên trường THPT Dĩ An (TX.Dĩ An) là quá trình ôn tập cô bám sát kiến thức chương trình theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Cô cho HS ôn trọng tâm hơn đối với những bài có lượng kiến thức tập trung nhiều thông qua kết quả phân tích đánh giá đề năm trước và đề minh họa năm nay. Cô có kế hoạch phân loại mức độ HS để chú ý đối với những em yếu kém. Trong quá trình ôn tập, cô vận dụng linh hoạt các phương pháp tùy vào tình hình thực tế của HS. Tuy nhiên, kinh nghiệm của cô là tập trung vào việc yêu cầu HS nắm vững kiến thức cơ bản, có như thế mới xác định đúng đáp án cho các câu nhận biết và thông hiểu, đồng thời xử lý các thông tin dữ liệu từ tình huống của các câu vận dụng. Theo cô, quá trình tổ chức làm và sửa các bài tập trắc nghiệm khách quan cần phân tích có tính định hướng cho HS theo kiến thức bài học để lựa chọn đáp án, tránh việc chỉ ra đáp án đúng mà không phân tích lý do không chọn một trong các đáp án còn lại. Cô còn hướng dẫn HS xác định đề đối với các câu vận dụng: đọc câu hỏi cuối tình huống để biết đề yêu cầu gì trước, sau đó xác định hành vi của các nhân vật, tìm dữ liệu đúng yêu cầu của đề...
ÁNH SÁNG