Ôn lại truyền thống hào hùng của Chiến khu Đ

Thứ sáu, ngày 23/12/2016

(BDO) Hôm qua (22-12), lễ kỷ niệm Kỷ niệm 70 năm thành lập Chiến khu Đ (1946-2016) và 55 năm thành lập Trung ương Cục miền Nam đã được long trọng tổ chức tại Khu di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). 70 năm đã trôi qua, Chiến khu Đ - căn cứ địa cách mạng một thời đã trở thành huyền thoại. Ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Chiến khu Đ nhằm khơi gợi niềm tự hào dân tộc để giúp thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động sáng tạo, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chiến khu Đ là căn cứ địa quan trọng của miền Đông Nam bộ, trải rộng, nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp cận Sài Gòn và những đô thị lớn thuộc tỉnh Biên Hòa (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ nổi bật như là một trung tâm kháng chiến, là “Chiến khu Việt Bắc” của miền Đông Nam bộ; nơi có các cơ quan lãnh đạo kháng chiến ở và từ đó phát đi những chỉ thị, mệnh lệnh đến các vùng, các chiến trường; nơi xây dựng một xã hội mới, độc lập và dân chủ; nơi gửi gắm niềm tin, lòng tự hào của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở miền Đông Nam bộ nói riêng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chiến khu Đ ngày càng được mở rộng lên hướng Bắc và Đông Bắc và là căn cứ quân sự của ta trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Địa bàn Chiến khu Đ là nơi xây dựng đứng chân của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, của lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục miền Nam. Chiến khu Đ là một trong những hậu phương trực tiếp, tại chỗ của chiến trường Nam bộ; là đầu mối giao thông chiến lược từ Trung ương vào Nam bộ; là nơi tiếp nhận, cất giữ, chuyển phát cơ sở vật chất, cung cấp một phần vật lực cho cuộc kháng chiến. Sự tồn tại và phát triển của Chiến khu Đ đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trước một Chiến khu Đ kiên cường bất khuất, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã phải khiếp sợ thú nhận: “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”. Điều này cho thấy tầm quan trọng của vị trí chiến lược và ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất của quân và dân ta trong Chiến khu Đ.

Có thể khẳng định rằng, Chiến khu Đ chính là ý chí, sức mạnh tinh thần, là niềm tin của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn miền Đông Nam bộ. Trải suốt 2 cuộc kháng chiến, Chiến khu Đ vẫn tồn tại như là một biệt ngữ không còn đơn thuần mang ý nghĩa địa danh và trở thành biểu tượng cho cách mạng, cho kháng chiến, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng.

 

 ĐÀM THANH

Từ khóa: