Ổn định thị trường lao động cuối năm: Để người lao động vui đón Tết

Thứ tư, ngày 14/12/2022

(BDO)

Công nhân Nhà máy may xuất khẩu Sơn Hà (thị xã Bỉm Sơn) bị giảm thu nhập do công ty thiếu đơn hàng.

Quý 4 hằng năm là thời điểm các doanh nghiệp chạy nước rút, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đáp ứng đơn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2022, nhiều ngành hàng khan hiếm đơn hàng, doanh nghiệp phải nỗ lực duy trì sản xuất và việc làm.

Nỗ lực vượt khó

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cao su-Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin đơn hàng khá tốt trong nửa đầu năm 2022, từ quý 3 chững lại và đến quý 4 giảm.

Một số doanh nghiệp lớn cố gắng để hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2022 nhưng về doanh thu khó đạt chỉ tiêu bởi lượng hàng tồn kho lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ đang phải giảm nhịp độ sản xuất để cầm cự.

Với tình hình kinh tế thế giới như hiện nay, chưa có dấu hiệu cho thấy đơn hàng sẽ khởi sắc trong nửa đầu năm 2023.

Tương tự, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết các doanh nghiệp ngành da giày hiện "khó chồng khó."

Hầu hết các thị trường đều giảm 30-40% đơn hàng so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục có xu hướng giảm mạnh trong những tháng tới.

Những năm trước, thời điểm này các doanh nghiệp đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng dịp lễ, Tết, cuối năm và đã có sẵn đơn hàng cho nửa đầu năm sau. Tuy nhiên năm nay, nhiều doanh nghiệp chưa có đơn hàng cho năm 2023.

Không có đơn hàng, doanh nghiệp không có doanh thu, việc vay vốn sản xuất càng khó khăn. Một số công ty phải dừng sản xuất hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.

Tập đoàn Gia Định hiện có gần 5.000 lao động, số đơn hàng ngày càng khan hiếm, doanh nghiệp đang cố gắng chia ca để công nhân làm việc luân phiên. Tuy nhiên, khả năng cầm cự khó được lâu, doanh nghiệp phải tính phương án cắt giảm bớt lao động trong thời gian tới.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất thuộc lĩnh vực xuất khẩu, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); doanh nghiệp hoạt động ở ngành thâm dụng lao động, dệt may gia công, da giày, chế biến gỗ...

Nhiều doanh nghiệp sắp xếp lại lao động, thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động ở vị trí gián tiếp rồi tiếp tục cắt giảm cả lao động trực tiếp trên các dây chuyền sản xuất.

Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhiều doanh nghiệp dù đã cố gắng cầm cự, tìm các giải pháp, chuyển đổi thị trường để duy trì hoạt động, giữ chân người lao động nhưng lực bất tòng tâm.

Tuy nhiên, khó hơn hết vẫn là người lao động, bởi mất việc vào những tháng cuối năm, cơ hội tìm việc ổn định rất khó, nhất là người lao động ở trọ, người lớn tuổi...

Liên đoàn Lao động Thành phố dự báo một số doanh nghiệp sẽ không có lương tháng 13, tiền thưởng Tết...

Tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn khá phổ biến (trong đó có 48.699 đơn vị nợ đọng từ 1 tháng trở lên), ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, nhất là các chế độ về ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp.

Để người lao động đều vui đón Tết

Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn theo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo việc chi trả lương, các khoản trợ cấp cho người lao động nghỉ việc.

Công đoàn chủ động thăm hỏi doanh nghiệp, động viên công nhân, người lao động trong dịp Tết; hỗ trợ vé xe về quê, trao tặng các phần quà bằng tiền mặt; tổ chức Tết sum vầy, tăng cường kết nối việc làm thời vụ dịp Tết cho người có nhu cầu, công nhân ở lại thành phố đón Tết.

Đồng hành với người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố triển khai 10 chương trình chăm lo với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động” nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 140 tỷ đồng.

Nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như thăm hỏi, tặng quà đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo cho người lao động ngoại tỉnh ở lại Thành phố đón Tết, hỗ trợ đưa công nhân về quê ăn Tết...

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cấp Công đoàn thành phố đã chủ động nắm thông tin, dự báo tình hình, quan hệ lao động kịp thời; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp lao động phát sinh; có biện pháp giải quyết các vấn đề về tiền lương, chế độ, chính sách cho người lao động bị mất việc.

Tổ chức Công đoàn cũng kiến nghị những yêu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động để không xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố...

Từ thực tiễn nhiều khó khăn, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải đã yêu cầu các cấp, ngành tập trung triển khai nhiều phương án, giải pháp để đảm bảo quyền lợi của người lao động, ổn định tình hình lao động-việc làm. Trong đó, chú trọng vận động các doanh nghiệp cắt giảm lao động có cam kết cố gắng duy trì, tạo điều kiện thuận lợi để những người lao động đang làm việc chưa đủ 12 tháng có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đặc biệt, quan tâm những trường hợp thai sản, nuôi con nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn; hoàn tất đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; đồng thời, thực hiện một số chế độ liên quan khác như lương, thưởng Tết...

Các doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn và chính quyền địa phương đang tính toán các khoản thưởng Tết, tìm giải pháp giữ chân người lao động vượt qua khủng hoảng kinh tế chung.

Nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất không sa thải lao động nữ đang nuôi con nhỏ, lao động đang mang thai, lao động thuộc hộ nghèo; trường hợp hai vợ chồng làm cùng doanh nghiệp thì chỉ giảm một người...

Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh (Yes Center) vừa khởi động chương trình "Tháng tiếp sức và đồng hành với người lao động" năm 2023 nhằm tăng cường kết nối người lao động bị ngưng việc do đơn vị thu hẹp sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.

Chương trình miễn phí hỗ trợ giới thiệu hơn 3.000 đầu việc cho người lao động ở tại nhiều điểm; hỗ trợ các lớp tập huấn, trang bị kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp và kỹ năng mềm, tư vấn pháp luật...

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành để có phương án hỗ trợ trong trường hợp lao động mất việc. Trong đó, Công đoàn hỗ trợ quà tết, vé tàu xe về quê; Bảo hiểm xã hội chốt sổ đảm bảo quyền lợi; ngành Lao động kết nối tìm việc làm mới, Mặt trận Tổ quốc tìm nguồn kinh phí xã hội hóa để khi có khó khăn cùng phối hợp xử lý.

Các quận, huyện thành phố Thủ Đức nắm chắc quan hệ lao động, phát hiện sớm, kịp thời đối thoại với người lao động, tránh xảy ra các vấn đề tranh chấp.

Từ thực tiễn, Sở đưa ra các giải pháp ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp; tăng cường các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung-cầu lao động; thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp như trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề...

Sở tăng cường phối hợp chặt với các địa phương, các tổ chức đoàn thể, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao để kịp thời tham vấn, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó phải giảm lao động; tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động; giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động...

Người lao động luôn mong mỏi việc làm ổn định, gắn bó lâu dài trên cơ sở mối quan hệ hài hòa ổn định, tiến bộ với doanh nghiệp.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người lao động luôn sẵn sàng gắn kết, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và cũng mong doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người lao động ổn định việc làm, đời sống, để mọi người, mọi nhà cùng vui đón Tết cổ truyền./.

Theo TTXVN