Ổn định nguồn cung hàng hóa trong mùa dịch bệnh Covid-19

Thứ sáu, ngày 14/02/2020

(BDO) Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra đang ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành, đơn vị liên quan đang nỗ lực khắc phục, sớm vượt qua khó khăn trước mắt.

Khách hàng mua sắm tại Co.opmart Bình Dương Ảnh: THANH HỒNG

 Sức mua giảm

Ghi nhận cho thấy, những ngày qua tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh lượng khách hàng đến mua sắm sụt giảm rõ rệt. Tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương, hơn 9 giờ sáng 12-2 các quầy hàng thực phẩm và khu bách hóa tiêu dùng vẫn thưa thớt khách.

Ông Đường Bảo Khương, Giám đốc siêu thị này, chia sẻ dịp trước Tết Nguyên đán vừa qua mỗi ngày doanh số tiêu thụ tại siêu thị rất khá, tăng trên 15%; từ sau tết đến nay sức mua giảm 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Đáng nói nữa, số lượng nhà hàng, quán ăn, trường học cũng giảm đơn đặt hàng hơn một nữa so với trước khiến doanh số tiêu thụ của siêu thị sụt giảm khá mạnh.

Trong khi đó, mặt hàng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang y tế, gel, dung dịch sát khuẩn sức mua lại tăng đột biến. Mỗi ngày siêu thị bán từ 1.000 - 4.000 khẩu trang, lượng hàng không đủ cung cấp cho người dân. Siêu thị khuyến cáo khách hàng không tích trữ, tránh mua gom hàng, gây khan hiếm giả tạo. Còn các mặt hàng thực phẩm tại siêu thị hiện khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Tại Siêu thị Big C Bình Dương, tình trạng cũng tương tự. Nhân viên ở đây và đa số khách hàng đến mua sắm đều đeo khẩu trang phòng chống dịch. Bên trong các góc cửa, siêu thị cũng bày sẵn các lọ sát khuẩn, khăn giấy lau tay, hướng dẫn cách rửa tay, phòng chống dịch bệnh cho khách hàng… Ông Thái Thành Nhân, Trưởng bộ phận thực phẩm siêu thị, cho biết từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 lượng người đến siêu thị giảm hẳn; từ sau ngày 5 tháng giêng âm lịch đến nay sức mua giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Riêng mặt hàng khẩu trang bán rất nhanh hết hàng. Siêu thị đã đặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tăng từ 2 nhà cung cấp lên 5 nhà cung cấp. Dự kiến, sau 3 - 4 ngày tới mới có đủ mặt hàng này để cung cấp cho khách hàng.

Các chợ truyền thống cũng không khá hơn. Tại chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một), các tiểu thương tỏ ra lo lắng khi dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu chấm dứt, khiến lượng khách hàng giảm mạnh. Ghi nhận cho thấy, hiện nhiều người dân chuyển sang mua hàng qua mạng, đặt người giao hàng… để an toàn sức khỏe.

Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa

Hiện các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh vẫn xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, theo đó tăng lượng hàng dự trữ với thời gian từ 2 - 3 lần so với tháng thường. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu của người dân đang được các siêu thị, trung tâm thương mại bày bán với số lượng khá lớn, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định so với trước tết.

Ông Nhân cho hay, thời điểm này nguồn hàng dự trữ tại kho của Siêu thị Big C Bình Dương vẫn ổn định; đối với mặt hàng gạo đủ cung ứng trong vòng 3 tháng bình thường tới đây. Trong trường hợp sức tiêu thụ trên thị trường tỉnh tăng đột biến, siêu thị sẽ đáp ứng đủ chậm nhất trong vòng 10 ngày. Vì vậy, sẽ khó có khả năng thiếu hụt hàng hóa. Riêng đối với mặt hàng khẩu trang, đơn vị đang làm việc với 5 đối tác là các doanh nghiệp may mặc để sản xuất và đặt mua hàng trăm ngàn khẩu trang, hàng ngàn chai thuốc rửa tay kháng khuẩn. Nếu đơn hàng thuận lợi, đơn vị cung cấp sẽ đưa về siêu thị trong tháng này.

Đối với Siêu thị Co.opmart cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong thời điểm hiện tại, thậm chí còn có các chương trình khuyến mại khi mua hàng, đồng thời liên kết với nhiều doanh nghiệp, nhà cung cấp giảm giá bán sâu hơn nhiều mặt hàng thực phẩm. Bên cạnh chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo kế hoạch đến hết tháng 2-2020, siêu thị cũng bảo đảm tăng 30 - 40% lượng hàng hóa đã cam kết với tỉnh trong năm 2020.

Ông Hồ Văn Bình, Phó giám đốc Sở Công thương, cho biết sở vừa có cuộc khảo sát thực tế, làm việc với các siêu thị, chợ truyền thống, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh cung ứng hàng hóa thiết yếu, cung ứng cho thị trường và nhận được kết quả tích cực. Tuy vậy, để kích cầu, ổn định giá hàng hóa, cung ứng đủ nhu cầu thị trường, đồng thời vẫn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, trong ngắn hạn các đơn vị, đối tác cung ứng hàng hóa cho thị trường tỉnh cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu; chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường; tiếp tục thực hiện chương trình và cam kết về sự ổn định về giá và sản lượng trong thời gian dài hơn.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần có những giải pháp linh hoạt, phối hợp với ngành chức năng ứng phó tình trạng mua gom, găm hàng, tăng giá để trục lợi; có kế hoạch dự phòng tăng sản lượng thực hiện trong trường hợp dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Các doanh nghiệp, siêu thị cần tăng cường đàm phán với các nhà sản xuất, chủ động điều phối, rút ngắn hơn nữa thời gian cung ứng hàng hóa vào hệ thống siêu thị, nhất là mặt hàng lương thực thực phẩm, khẩu trang nhằm bình ổn thị trường, giảm tình trạng khan hiếm khẩu trang… góp phần ngăn chặn hiệu quả khan hiếm hàng hóa cục bộ, giá tăng đột biến trong thời điểm này…

 THANH HỒNG