Ổn định giá cả hàng hóa dịp tết
Hàng năm, vào dịp tết, tỉnh Bình Dương luôn tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường để phục vụ nhân dân trong dịp tết cổ truyền. Tuy vậy, năm nay, do những yếu tố khách quan khiến một số mặt hàng giá tăng hơn so với các năm trước. Chẳng hạn như củ kiệu, do thời tiết thất thường làm giảm năng suất kiệu được trồng trên địa bàn tỉnh. Bà con trồng kiệu ở phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một - nơi có diện tích trồng kiệu lớn của cả tỉnh, bị ảnh hưởng bởi mưa và ngập úng, nên rất có thể năm nay năng suất kiệu sẽ giảm sút. Trong khi đó, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nơi cung cấp hơn 80% số lượng kiệu cho Bình Dương cũng gặp vấn đề tương tự cho mưa kéo dài trong năm 2017. Hiện nay, giá kiệu bán phổ biến ở các chợ trên địa bàn tỉnh là 70.000 đồng/kg (dịp này năm trước giá chỉ 35.000 - 50.000 đồng/kg).
(BDO)
Đối với lạp xưởng tươi, hiện giá bán cũng cao hơn cùng kỳ năm 2017 từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Theo một số gia đình làm lạp xưởng ở phường Bình Nhâm, TX.Thuận An, thời điểm cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp tới, giá lạp xưởng còn có khả năng tăng cao hơn khi giá thịt heo tăng theo nhu cầu mua sắm.
Còn theo các gia đình có vườn trái cây ở phường An Thạnh, TX.Thuận An, giá trái cây cũng đang nhích lên do ảnh hưởng từ những cơn mưa thất thường và kéo dài đến tận cuối năm 2017. Bà Huỳnh Thị Đào, chủ vựa trái cây ở phường An Thạnh cho hay, giá trái cây chưng tết sắp tới có thể cao hơn Tết Đinh Dậu khoảng 20 - 30%. Việc trái cây tăng giá dịp tết tới đây là khó tránh khỏi, bởi do ảnh hưởng từ thời tiết thất thường.
Để giúp người dân trong tỉnh đón Tết Mậu Tuất vui tươi, đầm ấm, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã đồng loạt triển khai các điểm bán hàng bình ổn giá, nhất là khu vực nông thôn. Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đối với nhóm hàng hóa thiết yếu, Sở Công thương đã phối hợp với các ngành, các cấp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bán lẻ trên địa bàn đưa nguồn hàng hóa ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2018 với tổng giá trị dự kiến gần 759 tỷ đồng, cung ứng trong dịp trước, trong và sau tết, tăng khoảng 25% so với kế hoạch dự trữ năm 2017. Số lượng hàng hóa tập trung vào 5 nhóm ngành hàng thiết yếu, gồm lương thực (gạo, nếp), thực phẩm tươi sống (thịt heo, thịt bò, gia cầm, cá, trứng, rau, củ, quả…), thực phẩm chế biến (đường, sữa, dầu ăn, bột ngọt, bia, nước giải khát…), xăng dầu và thuốc trị bệnh cho người (thuốc thông thường sản xuất trong nước).
HOÀNG PHONG