Ổn định đầu ra cho trái bưởi: Cần quan tâm thị trườngtrong nước
(BDO) Những năm qua, sản phẩm bưởi của các nhà vườn ở Bình Dương được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy vây, để phát triển ổn định, nhiều chuyên gia khuyến cáo các nhà vườn, doanh nghiệp cần chú ý nhiều hơn thị trường trong nước.
Thu hoạch bưởi ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY
Bưởi được giá, hút hàng
Từ giữa tháng 3-2019 đến nay, các trang trại, nhà vườn trồng bưởi trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi vì có nhiều thương lái tìm đến mua với giá cao hơn nhiều so với thời điểm này năm ngoái. Theo ông Lê Minh Sang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên), hiện nay hợp tác xã không đủ bưởi để cung ứng cho thị trường. Đối với những đơn hàng đã ký kết với các đơn vị, hợp tác xã bảo đảm cung ứng đầy đủ; đối với thị trường nhỏ lẻ trong nước hiện hợp tác xã không đủ hàng để bán.
Ông Sang cho biết thêm, hiện thương lái mua bưởi để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên giá bưởi lên cao và hút hàng. Không chỉ với bưởi VietGAP, mà cả các loại bưởi trồng theo quy trình bình thường cũng đang được các thương lái thu gom.
Ông Đoàn Minh Chiến, Chủ trang trại Đoàn Minh Chiến (Bắc Tân Uyên), cho hay hiện nay, vườn bưởi ông đã ngưng thu hoạch để chờ đợt bưởi chín tiếp theo. Đợt bưởi vừa qua, ông đã xuất 70 tấn với giá ổn định. Hiện các thương lái thu mua bưởi cho các công ty xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bằng con đường xuất khẩu chính ngạch này giúp các nhà vườn có đầu ra ổn định hơn.
Chú ý thị trường nội địa
Hiện nay, người Việt Nam có nhu cầu cao về thực phẩm, nông sản sạch. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý yếu tố này để đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Riêng đối với sản phẩm bưởi, nhu cầu trong nước nhiều, các doanh nghiệp cần khai thác hiệu quả. Tuy vậy, để ổn định thị trường tiêu thụ, các nhà vườn, doanh nghiệp kinh doanh bưởi cần chú trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, xây dựng thương hiệu…
Tại hội nghị kết nối sản phẩm nông sản của hợp tác xã với hệ thống siêu thị Big C vừa qua, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thông qua những hội nghị kết nối cung cầu, doanh nghiệp được đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng, thường xuyên, bảo đảm an toàn thực phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng trong cả nước.
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp các hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), cho biết hiện nay hệ thống siêu thị Co.opmart - trực thuộc đơn vị - tiêu thụ trung bình hơn 60 tấn trái cây tươi mỗi ngày, chủ yếu là trái cây trong nước. Tỷ lệ trái cây trong nước tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op chiếm trên 90%, số còn lại được nhập khẩu chủ yếu do các loại này không trồng được ở Việt Nam như táo, lê, kiwi…
Ông Chiến chia sẻ, tuy nhiều thương lái đến thu mua bưởi tại trang trại của ông để cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhưng ông vẫn bảo đảm nguồn cung cho thị trường trong nước. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục quan tâm thị trường trong nước nhằm bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm bưởi.
Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết mặc dù giá cả nông sản tuân theo quy luật cung cầu của thị trường, nhưng bên cạnh xuất khẩu, các hợp tác xã, trang trại, hộ trồng bưởi trong tỉnh cần xây dựng chuỗi liên kết với các đối tác trong nước để giữ vững thị trường trong nước, tránh quá lệ thuộc vào thương lái. Việc xây dựng và phát triển thị trường trong nước giúp các nhà vườn, doanh nghiệp kinh doanh bưởi chủ động trong sản xuất, thị trường tiêu thụ ổn định, tránh lặp lại tình trạng “giải cứu” nông sản như đã xảy ra tại một số địa phương trong nước thời gian qua.
TIỂU MY