Ở ngôi trường mang tên liệt sĩ Trần Văn Ơn
(BDO) Trong giới học sinh - sinh viên (HS-SV) ai cũng biết tên tuổi của người anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn. Người thanh niên yêu nước ấy đã hy sinh trong cuộc biểu tình của hàng ngàn HS-SV xuống đường vào ngày 9-1-1950. Anh ngã xuống nhưng tên anh vẫn còn sống mãi. Nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho HS, năm 2003 Bình Dương đã thành lập trường THPT Trần Văn Ơn đóng trên địa bàn TX.Thuận An.
Trong mấy ngày qua, không khí ở trường THPT Trần Văn Ơn như càng rộn ràng hơn. Ngoài nhiệm vụ học tập, thầy trò nhà trường còn khẩn trương chuẩn bị các hoạt động chào mừng ngày truyền thống HS-SV. Thầy Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nói ngày 9-1 hàng năm cũng được chọn là ngày truyền thống của trường. Dịp này, trường tổ chức hội trại cho HS toàn trường, cùng với sự tham gia của một số HS ở các trường THPT trên địa bàn TX.Thuận An. Nhiều hoạt động vui tươi, bổ ích được diễn ra như: thi lều trại, thi làm báo tường, các trò chơi dân gian, diễn đàn thanh niên, biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt lửa trại… Tự hào khi được học trong ngôi trường mang tên nhà yêu nước, HS Trần Thảo Nhi tâm sự: “Biết được lịch sử về anh Trần Văn Ơn, HS chúng em rất khâm phục trước tinh thần quả cảm, đấu tranh chống lại sự đàn áp, đô hộ của thực dân Pháp. Ngày nay HS toàn trường quyết tâm phấn đấu, rèn luyện để mãi xứng danh với ngôi trường mang tên Trần Văn Ơn”.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Thành bộc bạch, từ khi thành lập đến nay thầy trò nhà trường đã không ngừng phấn đấu trong các mặt hoạt động để theo kịp các trường bạn và để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TX.Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung.
Những cố gắng của nhà trường đã được khẳng định qua chất lượng giáo dục trong mấy năm qua. Nếu so với các trường THPT khác trên địa bàn thì đầu vào lớp 10 của trường Trần Văn Ơn rất thấp. Đó là áp lực lớn đối với nhà trường. Bài toán chất lượng đã được tập thể sư phạm nhà trường đem ra bàn bạc. May mắn là trường có đội ngũ giáo viên trẻ, tâm huyết, yêu nghề. Các thầy cô theo sát từng HS. Những em học yếu kém được sàng lọc và tổ chức dạy phụ đạo thêm vào buổi chiều. Để nâng cao chất lượng người thầy, tất cả giáo viên đều tham gia các lớp bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Ban giám hiệu đã phát huy tốt vai trỏ của tổ trường chuyên môn trong việc phân công chuyên môn, soạn thảo phân phối chương trình, lập kế hoạch hoạt động của tổ… Ngoài ra, giám thị, giáo viên chủ nhiệm quản lý chặt chẽ nề nếp HS, phối hợp với phụ huynh trong việc quản lý việc học của con em.
Từ những cố gắng của thầy và trò, chất lượng giáo dục của trường đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT ngày càng tăng, riêng năm học 2013-2014, 100% HS của trường đều tốt nghiệp THPT.
A.SÁNG