Ở đâu có ổ dịch, ở đó có chúng tôi!

Thứ ba, ngày 17/09/2019

(BDO)  Đó là câu cửa miệng của những người gắn bó với công việc phun thuốc diệt muỗi phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) mà chúng tôi có dịp gặp gỡ. Theo chân những người làm công tác này trong thời điểm bệnh SXH đang tăng trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã đến tận những nơi gọi là “điểm nóng” SXH trên địa bàn tỉnh. Trò chuyện với họ, mới thấy làm nghề nào cũng vậy, bên cạnh những điều vui vẫn còn đó những chuyện buồn mà họ vẫn thường gặp phải trong quá trình làm việc...

 Sau khi đã sẵn sàng, các thành viên được dẫn đường đến khu vực mình được phân công để phun thuốc

 Đâu cần, chúng tôi có!

Một chiều tháng 8, chúng tôi đến điểm hẹn tập kết ở một nhà dân tại khu phố 2, phường Tân Định, TX.Bến Cát. Theo lịch trình, 17 giờ chiều, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (PCBTN), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh sẽ phối hợp với y tế, địa phương tổ chức phun thuốc diện rộng diệt muỗi trên toàn địa bàn khu phố 2, do đây là một “điểm nóng” về SXH trên địa bàn tỉnh.

Như mọi lần, bác sĩ (BS) Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa PCBTN, Trung tâm KSBT tỉnh đến điểm tập kết sớm hơn so với những người khác. Trong thời gian chờ mọi người đến đông đủ, BS Mỹ cho biết với bệnh SXH, khi nhận thông tin từ cơ sở điều trị và xác định là ổ dịch đều được tổ chức xử lý không để cho ca bệnh lan rộng. Khi xử lý ổ dịch phải có sự kết hợp đồng bộ diệt lăng quăng và nếu cần có thể phun hóa chất diệt muỗi để xóa ổ dịch trong phạm vi hẹp bán kính tầm 200 - 400m. Việc làm này thường do y tế các địa phương phụ trách. Còn ở những địa phương có nhiều ca bệnh được ghi nhận (còn là “điểm nóng” hay “điểm nguy cơ” bùng phát dịch) đã được địa phương xử lý nhưng không thành công thì cần phải tổ chức xử lý dịch diện rộng (phun thuốc diện rộng). Mỗi khi xử lý dịch SXH diện rộng, cán bộ của Trung tâm KSBT tỉnh đều phải tới tận nơi, kết hợp cùng với địa phương tổ chức diệt lăng quăng từng hộ dân toàn khu vực. Sau đó, mới tổ chức phun hóa chất diệt muỗi diện rộng. Các máy phun đeo vai nhỏ sẽ đi vào các hang cùng ngõ hẻm, đến từng hộ gia đình trong khu vực. Còn các tuyến đường lớn ở các khu, ấp thì sẽ phải dùng máy phun lớn để phun. “Thời điểm tháng 8, tháng 9 bệnh SXH trên địa bàn tỉnh tăng cao, có nhiều “điểm nóng” phải xử lý nên anh em làm công tác phòng chống dịch phải đi liên tục...”, BS Mỹ nói.

Đang nói chuyện giữa chừng thì 2 chiếc xe phun thuốc lớn của Trung tâm KSBT tỉnh cũng vừa tới nơi. 2 nhân viên phụ trách công tác phòng chống SXH của trung tâm nhanh chân nhảy xuống xe, xách từng can hóa chất màu trắng đục vào trong sân để bắt đầu công việc pha hóa chất. Mấy anh phụ trách các máy phun thuốc nhỏ cũng tới đầy đủ, nhận hóa chất mới được pha xong để chuẩn bị đi phun. Họ kéo dây cót thử lại xem máy có hoạt động không, những tiếng nổ xình xịch vang lên. “Vậy là máy hoạt động tốt rồi”, một anh trong đội phun thuốc lên tiếng.

Đã hơn 17 giờ chiều, ai có việc cứ làm việc, ai rảnh tay thì tranh thủ ăn vội ổ bánh mì nguội đã được chuẩn bị trước. “Từ chiều đến giờ anh em chúng tôi làm việc ở cơ quan, xong lên xe đi luôn nên chưa kịp ăn uống gì cả. Phải tranh thủ ăn miếng gì lót dạ rồi anh em mới đi phun thuốc được. Mỗi lần phun thuốc diện rộng buổi chiều như thế này thì phải đến 20 - 21 giờ tối mới xong việc nên khi nào chúng tôi cũng chuẩn bị đồ ăn lót dạ mang theo. Cũng có những hôm đi phun về mệt mỏi quá, ăn cơm không nổi luôn...”, BS Mỹ chia sẻ.

Khó khăn vẫn luôn yêu nghề

Nhìn bề ngoài, nhiều người cứ nghĩ làm y tế hệ dự phòng thường nhàn hạ hơn hệ điều trị. Thế nhưng, có dịp đi cùng những người làm công tác y tế dự phòng, đặc biệt là những người thường đi phun thuốc phòng, chống bệnh SXH mới thấy điều nhận xét đó hoàn toàn không đúng. Vào mùa bệnh SXH, khi ca bệnh tăng, ổ dịch được ghi nhận ở nhiều nơi, thế nên, ngoài hoàn thành công việc thường ngày ở cơ quan, họ còn phải xuống tận cơ sở để giám sát ca bệnh, đề xuất hướng xử lý kịp thời. Những khi có lịch đi phun thuốc buổi sáng, trong lúc mọi người còn ngủ ngon, họ đã phải thức dậy, lọ mọ chạy xe đến cơ quan để chuẩn bị đồ nghề, hóa chất rồi theo xe, theo đội đi phun thuốc xử lý ổ dịch ở các địa phương.

Hầu hết những người mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều chia sẻ dù biết làm công việc này khá vất vả, khó khăn, nhưng vì lợi ích của cộng đồng nên họ không quản ngại sớm khuya. Những ngày có lịch phun thuốc diện rộng buổi sáng, khi mọi người còn ngon giấc, thì 3 giờ sáng họ đã thức dậy lục đục chuẩn bị mọi thứ để đến cơ quan cho kịp giờ đi xuống cơ sở. Nếu lịch đi phun buổi chiều, thì khoảng 15 giờ chiều họ phải gác mọi việc ở cơ quan lại để chuẩn bị “đồ nghề” lên đường. Thường buổi chiều phun thì 20 - 21 giờ tối mới xong việc, nếu phun ở các địa phương xa thì có khi 23 giờ khuya họ mới về tận nhà. Anh Ngô Nguyễn Minh Trung, nhân viên Khoa PCBTN, Trung tâm KSBT tỉnh - một trong những người thường xuyên làm công việc này, chia sẻ: “Những ngày đó, phun xong về tận nhà người luôn mệt đừ, mắt thì cay, da thì rát nên cơm cũng không muốn ăn. Mình đã chọn nghề này thì phải cố gắng thôi chị à. May là vợ em cũng làm nghề y nên hiểu và thông cảm với công việc của em...”.

Khó khăn là thế, ấy vậy mà trong quá trình làm việc đôi khi họ cũng gặp phải những trở ngại khó lường trước. Đó là khi họ đang đi phun thuốc thì người dân kéo cổng, đóng cửa lại hay chặn đường không cho xe đi phun. Nhiều người không hiểu hết lợi ích của việc phun thuốc diệt muỗi phòng, chống bệnh SXH nên còn tỏ thái độ không hợp tác, chống đối. Thậm chí, có người còn đe dọa, hành hung... những người đi phun thuốc. “Đã nhiều lần anh em chúng tôi đang đi phun thuốc thì bị chọi đá, chặn xe, hắt đồ ăn vào xe... Những lúc như vậy, chúng tôi thường gọi điện thoại cho người chịu trách nhiệm chung ở địa phương để nhờ họ đến can thiệp. Tuy nhiên, thường khi người có trách nhiệm đến tận nơi thì những người cản trở đó đã đi mất rồi. Bởi thế, điều mà anh em chúng tôi luôn mong muốn đó là mỗi khi đi phun thuốc phải luôn có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngoài tuyên truyền, vận động người dân hợp tác khi chúng tôi đi phun thuốc, cũng cần cử thêm lực lượng chức năng đi theo để xử lý kịp thời trong những trường hợp xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào...”, BS Mỹ bày tỏ.

 BS Mỹ (ngồi) kiểm tra lại các máy nhỏ trước khi anh em  chuẩn bị đi phun thuốc

 BS Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa PCBTN, chia sẻ: “Có người thấy tôi làm công việc này, rồi nói “BS quởn quá!”. Ý họ nói BS thì phải trực tiếp khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân chứ sao lại rảnh rỗi đi làm công việc này. Đến khi mình nói chuyện với họ, họ đã hiểu ra rằng dù không trực tiếp khám chữa bệnh cho bệnh nhân, nhưng nhờ những người làm y tế dự phòng như chúng tôi thì nhiều căn bệnh lây truyền trong cộng đồng mới được khống chế, đẩy lùi. Họ hiểu được việc mình làm, tự nhiên mình thấy trong lòng vui hơn và có thêm động lực để gắn bó với nghề mà  mình đã chọn...”.

Một “điểm nóng” được chọn để phun thuốc diện rộng đồng nghĩa là phải phun 100%, không được bỏ sót nơi nào. Thực tế, nhiều người hiểu việc phun thuốc phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng nên rất đồng tình ủng hộ, nhưng cũng có không ít người không hiểu được điều đó nên thường đề nghị không phun nơi họ đang ngồi nhậu, nơi quán họ đang mở cửa kinh doanh... Thế nên, hầu như lần nào đi phun thuốc diện rộng, những người làm công tác này đều gặp phải những điều trở ngại. “Đi riết, gặp hoài nên cũng quen rồi. Mỗi lần đi phun thuốc diện rộng, chúng tôi thường khóa cửa xe lại. Nếu có chuyện gì xảy ra thì “cố thủ” bên trong và gọi điện thoại nhờ lực lượng chức năng đến giải quyết”, anh Trung nói.

Không chỉ người đi phun thuốc bị cản trở khi làm việc, mà đôi lúc ngay cả những người có trách nhiệm ở địa phương dẫn đoàn đi phun thuốc cũng bị hành hung. Đó là trường hợp của Trưởng khu phố Tân Mỹ, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên khi dẫn đường cho xe đi phun thuốc năm rồi. Anh Trung kể: “Hôm đó xe đi phun thuốc thì gặp một nhóm người đang tổ chức ăn nhậu trong một nhà dân. Khi xe chúng tôi quay đầu trở ra thì nhóm người đó lấy xe ô tô chặn đường lại không cho xe qua. Trưởng khu phố dẫn đường mới đến đề nghị họ dời xe đi chỗ khác để xe chúng tôi tiếp tục đi, thì bị một người trong nhóm đó đánh gãy cả răng. Khi gọi lực lượng đến tận nơi để xử lý thì người này đã bỏ đi rồi...”.

Khó khăn, vất vả, thậm chí có cả những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với những người làm công tác này. Thế nhưng, vượt qua những trở ngại đó, họ vẫn gắn bó với công việc bởi sự yêu nghề và những lợi ích mang lại đối với cộng đồng.

 HỒNG THUẬN