Ồ ạt tăng giá vé xe khách

Thứ bảy, ngày 16/01/2010

   Nhiều chủ xe đã đồng loạt tăng giá vé. Mặc dù còn gần 1 tháng mới đến Tết Nguyên đán Canh Dần - 2010 nhưng đến thời điểm này, hoạt động vận chuyển hành khách đã khá sôi động. Hầu hết các "nhà xe" đã có kế hoạch tăng giá vé. Tuyến tăng ít thì từ 7 - 10%, tuyến nhiều tăng từ 20 - 30%, cá biệt có tuyến tăng đến 50% so với mức giá cũ.

 

Tăng giá... ồ ạt

 

Những ngày gần đây tại các bến xe ở Hà Nội, nhu cầu đi lại của hành khách tăng rõ rệt khiến các nhà xe  đồng loạt tăng giá. Khi được hỏi, các chủ xe đều có lý do như "thu không đủ bù chi", xăng dầu tăng giá, tăng thuế vận tải từ 5%

lên 10%.

 

Giám đốc CTCP vận tải ôtô Nam Định Vũ Xuân Phương đưa lý do tăng giá vé trên 57 tuyến vận tải của mình là do giá nhiên liệu diesel luôn thay đổi theo chiều hướng tăng. "Tháng 2.2008, giá một lít dầu diesel mới ở mức 10.500 đồng thì tại thời điểm tháng 12.2009, con số này đã là 14.550 đồng/lít. Mức tăng giá vé mà Cty đưa ra - theo đánh giá của nhiều người trong ngành, là "vẫn ở mức chấp nhận được" và chỉ tăng từ 5 - 10% so với mức giá ban đầu" - ông Phương nói.

 

Ngoài nguyên nhân tăng giá nhiên liệu, Giám đốc Cty TNHH Xuân Sơn (Hải Phòng) Nguyễn Văn Bảy còn đưa thêm lý do nữa là việc áp dụng thuế suất (VAT) của Nhà nước đối với các đơn vị kinh doanh vận tải tăng từ 5% lên 10% bắt đầu từ thời điểm 1-1-2010. Và để "bù đắp", Cty quyết định điều chỉnh giá cước phục vụ khách trên tuyến Minh Đức - Gia Lâm từ 45.000 đồng/lượt lên 50.000 đồng/lượt.

 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc Cty Quản lý bến xe Hà Nội - cho biết,  đến thời điểm này Cty đã nhận được thông báo tăng giá vé từ gần 20 đơn vị vận tải. "Phần lớn các đơn vị chỉ tăng cước vận tải trên các tuyến ở mức từ 5 - 10%. Một số khác tăng nhiều hơn cũng chỉ từ 20 - 30%. Cá biệt, chỉ có Cty TNHH Đăng Công có xe khách chạy trên các tuyến Mỹ Đình - Lập Thạch, Mỹ Đình - Tam Dương và Mỹ Đình - Tam Đảo đã tăng giá cước vận tải tới 50%, từ 20.000 đồng/người/lượt lên 30.000 đồng/người/lượt" - ông Bằng cho biết.

 

Không để hành khách ngủ lại bến

 

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Công Bằng - Phó Giám đốc Cty QLBX Hà Nội. Để phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán, Cty đã lên kế hoạch tăng cường, bổ sung xe để có thể đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của hành khách. Ông Bằng cho biết thêm, dịp Tết Nguyên đán Canh Dần - 2010, các bến xe lớn của Hà Nội như Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát sẽ phải tiếp nhận một lượng khách lớn, đặc biệt vào các ngày trước ngày 23 tháng chạp.

 

Các ngày tiếp theo, lượng khách sẽ vẫn đông nhưng không vượt quá năng lực vận chuyển của bến. Riêng các ngày 27 - 28 và 29 tháng chạp, một lượng lớn khách sẽ dồn về bến. Và thời gian trước tết, lượng khách sẽ tập trung đông chủ yếu tại các tuyến ngắn từ Vinh trở ra.

 

Sau tết, lượng khách lại tăng mạnh tại các tuyến đi Sài Gòn, Đà Nẵng, Đắc Lắc... do lao động ở các vùng phía nam trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết.

 

Theo đánh giá của Cty quản lý bến xe Hà Nội, tại bến Giáp Bát, số lượt khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng từ 2 - 2,5 lần so với ngày thường. Lượng khách vào bến Mỹ Đình ngày cao điểm sẽ tăng lên từ 2,5 - 3 lần - đạt mức từ 28.000 - 30.000 lượt khách

 

Sẽ có gần 9.000 lượt xe buýt chạy mỗi ngày

 

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, từ ngày 1.1.2010 - 10.2.2010, mỗi ngày Tổng Công ty Vận tải Hà Nội sẽ huy động hơn 8.700 lượt xe buýt phục vụ hành khách trên tất cả các tuyến. 2 ngày 11 - 12.2.2010, tức ngày 28 - 29 tháng chạp, cũng sẽ có hơn 7.800 xe buýt liên tục phục vụ hành khách.

 

Từ ngày 30 đến ngày mùng 3 tết, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn chuyến xe buýt phục vụ hành khách có nhu cầu du xuân, thăm hỏi, chúc tết. Từ ngày 21.2.2010 - tức ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch, hệ thống xe buýt Hà Nội sẽ hoạt động bình thường trở lại với 8.720 lượt xe phục vụ hành khách mỗi ngày. 

 

(Theo Lao Động)