Nuôi lươn… không bùn!

Thứ bảy, ngày 23/11/2013

 Nuôi lươn sạch, không bùn hiện đang là một hướng đi mới cho người nông dân. Anh Lê Đình Ngọc Sơn, 42 tuổi, ấp Phú Hưng, xã An Sơn, TX.Thuận An là một trong những người nuôi lươn không bùn đầu tiên và đã rất thành công với mô hình này…  

Anh Lê Đình Ngọc Sơn thành công với mô hình nuôi lươn không bùn

Đi một ngày đàng…

Đầu năm 2012, một lần lên Tây Ninh chơi, anh Sơn đã tình cờ tìm hiểu được mô hình nuôi lươn sạch, không bùn. Thích thú và nhận thấy hiệu quả của mô hình này, anh quyết định “dẹp” hết đàn heo với hơn 200 con đang nuôi để chuyển sang thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn. “Nhìn thấy mô hình nuôi lươn không bùn ở nhà anh họ, tôi mê ngay. Khi về nhà, gia đình tôi quyết định chọn nuôi lươn làm hướng phát triển kinh tế mới, bởi đây không chỉ là mô hình cho hiệu quả cao mà còn rất phù hợp để người dân An Sơn chuyển đổi cơ cấu kinh tế khi nhân dân đang cùng nhau dốc sức xây dựng nông thôn mới…”, anh Sơn kể.

Tận dụng những chuồng nuôi heo sẵn có, anh Sơn chỉ cần sửa lại chuồng cho đúng với yêu cầu kỹ thuật của bể nuôi lươn. Ngoài ra, trong bể anh đặt thêm những tấm phên tre làm nơi trú ẩn cho lươn. Chia sẻ kinh nghiệm và tính hiệu quả của cách nuôi lươn không bùn, anh Sơn cho biết, mô hình nuôi lươn này cho phép một năm có 2 lần thu hoạch. Để có những con lươn khỏe mạnh, khâu quan trọng nhất là chọn giống. “Giống lươn tự nhiên bao giờ cũng khỏe hơn giống lươn nhân tạo mặc dù thời gian đầu khi thả nuôi, do môi trường thuần dưỡng trong bể nuôi khác với môi trường tự nhiên nên lươn tự nhiên sẽ bị chết khoảng 40%. Tuy vậy, số lươn tự nhiên còn sống sẽ rất khỏe mạnh và ít bệnh…”, anh Sơn nói. Cũng theo anh Sơn, bên cạnh việc chọn giống, nước sạch cũng là một yêu cầu quan trọng vì nếu để nước bẩn, có mùi hôi, lươn sẽ bị nhiễm khuẩn và chết. Trong quá trình chăm sóc, cũng cần phát hiện, phân loại lươn bệnh. Những con bị bệnh thường nằm riêng một mình hay trên mình xuất hiện những đốm đỏ nhỏ… Ngoài ra, nuôi lươn cũng cần cho ăn đúng giờ; thức ăn của lươn là cá được xay nhỏ. Cá nước ngọt, cá biển dùng làm thức ăn cho lươn thì phải “chung thủy” với 1 loại, không nên chọn cả 2, như thế lươn sẽ phát triển tốt.

… “Sàng khôn” sinh lợi

Nói về mô hình nuôi lươn không bùn của anh Lê Đình Ngọc Sơn, bà Tống Thị Nga, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Sơn, TX.Thuận An cho biết, anh Sơn là người đầu tiên của xã nghĩ ra cách nuôi lươn mới, đem lại hiệu quả cao. Mô hình này của anh đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, giúp người nuôi lươn địa phương học hỏi, rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí thức ăn. Ngoài ra, với mô hình nuôi lươn này, anh Sơn đã góp phần tạo cho môi trường trong sạch, không ô nhiễm; đặc biệt, góp phần vào thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chung tay xây dựng nông thôn mới của An Sơn.

Hiện nay, anh Sơn đang nuôi hơn 5.000 con lươn lớn nhỏ, bình quân mỗi đợt thu hoạch được 1,5 tấn lươn, giá 120.000 đồng/kg. Vào dịp tết, lươn còn có giá cao hơn, khoảng 130.000 - 140.000 đồng/kg. Anh Sơn cho rằng, nếu nuôi lươn theo cách truyền thống, từ khi thả con giống đến khi thu hoạch là 12 tháng; còn nuôi không bùn thì chỉ mất 6 đến 8 tháng là có thể xuất bán, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lươn sạch. “Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi lươn không bùn cao gấp 5- 6 lần. Mặt khác, nếu bình quân nuôi khoảng 100kg lươn giống sẽ được khoảng 800kg lươn thành phẩm, sau khi đã trừ các con nhỏ. Khi thu hoạch, mô hình này sẽ cho lời khoảng 90% sau mỗi vụ thu trong năm…”, anh Sơn chia sẻ.

 

 PHƯƠNG AN