Nuôi gà Đông Tảo - cũng lắm công phu
(BDO) Chị Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1982), ở ấp 3, xã Tân Long, huyện Phú Giáo là chủ trang trại trẻ với 2 ha cây cao su, 800m2 chuồng trại nuôi heo và gà Đông Tảo. Chị Thanh được xem là người khá thành công ở địa phương trong việc nuôi và nhân giống gà Đông Tảo. Mô hình chăn nuôi kết hợp này đã mang lại cho chị nguồn thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng/năm.
Chị Thanh “khoe” gà Đông Tảo tại trang trại của gia đình. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Vạn sự khởi đầu nan
Cách đây vài năm khi giá mủ cao su xuống thấp, chị Thanh đã đầu tư trang trại nuôi gà ta, quy mô 1.000 con. Mô hình nuôi gà ta mang lại thu nhập tương đối khá cho gia đình chị nhưng không ổn định do giá cả lên xuống thất thường và thỉnh thoảng xảy ra dịch bệnh. Năm 2012, trong một lần về thăm quê ở Hưng Yên, chị được biết đến loại gà Đông Tảo hay còn gọi là gà tiến vua nổi tiếng và quyết định mang giống gà này vào Bình Dương nuôi thử nghiệm.
Gà Đông Tảo nổi tiếng bởi giống gà to con, dáng hình bệ vệ, có thể dùng làm gà cảnh, gà thịt và làm đồ cúng tế. Thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân vững chãi là các điểm ưa thích chung của những người nuôi gà Đông Tảo.
Thế nhưng, trong số 80 con gà giống Đông Tảo chị Thanh đưa từ quê vào Bình Dương thì có đến 16 con bị chết do không thích nghi được với thay đổi thời tiết. Đã vậy, thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi gà Đông Tảo. “Lúc mới nuôi tôi cũng hơi lo bởi chưa hiểu rõ về giống gà này, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc. Tôi phải tìm hiểu qua sách báo, internet và gọi điện hỏi kinh nghiệm của anh em, họ hàng ở Hưng Yên nên mới được kết quả như hôm nay”, chị Thanh chia sẻ.
Dễ mà khó…
Hiện nay, đàn gà Đông Tảo của gia đình chị Thanh đã lên tới hơn 200 con. Chị Thanh cho biết, nuôi gà Đông Tảo không khó. Gà Đông Tảo ăn khỏe, lợi ích kinh tế cao hơn nhiều so với gà thường. Chỉ cần để ý mỗi lần gà mái đẻ trứng thì đem vào lồng để ấp; loại gà này không ấp được vì chân nó quá to dễ gây bể trứng. Tuy vậy, do là giống gà đặc sản nên việc chăm sóc chúng cần sự tỉ mỉ. Chuồng trại của gà Đông Tảo mùa đông phải ấm áp, mùa hè phải thoáng mát. Nhất là phải có vườn đủ rộng cho gà chạy nhảy, bởi loại gà này không “ưa” bị nhốt trong chuồng. Người nuôi gà Đông Tảo cũng cần quan sát thường xuyên, mỗi khi phát hiện gà có dấu hiệu khác thường phải nhanh chóng được tiêm vắc-xin phòng ngừa.
Năm 2014, chị Thanh đã đầu tư mua máy ấp trứng để nhân rộng đàn gà và cung ứng con giống ra thị trường. Chị Thanh chia sẻ kinh nghiệm, gà mái Đông Tảo nuôi lấy trứng đẻ liên tục, mỗi đợt một con đẻ khoảng 15 trứng; sau một tháng gà sẽ đẻ trở lại; từ khi nuôi đến khi gà bắt đầu cho trứng khoảng 8 tháng. Để có được những cặp gà bố mẹ tốt, người nuôi cần chọn lựa những con không cùng gen và có chất lượng tốt, khỏe mạnh, thân hình to chắc; đặc biệt đôi chân gà phải to, xù xì. Từ đó, bố mẹ mới tạo ra những chú gà con khỏe mạnh, phòng bệnh tốt, giống đẹp.
Ngoài việc cung cấp gà thịt ra thị trường, trang trại của chị Thanh còn bán gà Đông Tảo giống cho khách hàng các nơi nếu có nhu cầu. Phần lớn khách đặt hàng trước, sau đó đến tận trang trại của chị thu mua. Hiện nay, trang trại của chị Thanh có đủ loại gà Đông Tảo: Gà giống, gà lấy thịt, gà con… Gà giống 1 tháng tuổi được chị bán với giá 200.000 - 300.000 đồng/con, gà giống trưởng thành được tuyển chọn giá từ 3 - 5 triệu đồng/con, gà thương phẩm 300.000 đồng/kg (mỗi con nặng từ 3 - 4kg).
Từ mô hình nuôi gà Đông Tảo, không chỉ gây dựng kinh tế gia đình ổn định, chị Thanh còn cung cấp con giống, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các gia đình trên địa bàn.
QUỲNH NHIÊN