Nuôi chim trĩ: Làm chơi, ăn thật

Thứ ba, ngày 15/10/2013

 Nghe tiếng chim trĩ có giá từ lâu, anh Phạm Thanh Hùng (33 tuổi, ấp Phú Nghị, xã Hòa Lợi, Bến Cát) nung nấu ý định mở một trang trại. Vận may đã đến với gia đình anh khi đầu năm 2013, anh được bạn bè cho địa chỉ của trại cung cấp giống loài chim quý hiếm này. Sau nhiều ngày học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, anh Hùng đã mạnh dạn mang về 200 con chim trĩ con để gầy dựng trang trại của riêng mình.  

 Đàn chim trĩ sắp xuất chuồng của nhà anh Hùng

“Một vốn bốn lời”…

Anh Hùng cho biết, loài chim quý hiếm này không chỉ đẹp, dễ nuôi mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, một con chim trĩ con (20 ngày tuổi) mua ở trại giống về có giá khoảng 100.000 -120.000 đồng, chỉ sau 3 tháng chăn nuôi bán ra thị trường với giá từ 400.000 -450.000 đồng. Chị Đặng Thị Loan (vợ anh Hùng) tính: “Trừ hết chi phí, một con cho lợi nhuận từ 200.000 - 250.000 đồng”. Theo cách tính toán trên của chị Loan, sau 3 tháng, đàn chim trĩ 200 con của gia đình anh chị sẽ mang về từ 40 - 50 triệu đồng.

Chị Loan cho biết, việc nuôi chim trĩ không tốn nhiều thời gian như nuôi các loại vật nuôi khác, mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 30 phút để cho chim ăn 3 bữa và dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, nên gia đình có thể yên tâm làm những công việc khác. “Chim trĩ cũng không kén thức ăn, nó có thể ăn cám chăn nuôi gia cầm, rau muống, giá, bắp… nên việc tìm thức ăn cho chim cũng khá thoải mái”, chị Loan chia sẻ. Ngoài ra, chim trĩ có sức đề kháng khá tốt, khi mới sinh chỉ cần tiêm ngừa 2 lần là có thể sinh sống mạnh khỏe, người chăn nuôi không cần phải để ý nhiều đến tình trạng sức khỏe của chúng. Anh Hùng kể: “Hồi mới tìm hiểu về chăn nuôi, đọc báo thấy nhiều gia đình sạt nghiệp vì vật nuôi bị dịch bệnh. Nhưng khi tìm hiểu và bắt đầu nuôi loài chim này, tôi thấy yên tâm hơn vì chúng luôn khỏe mạnh trong mọi thời tiết!”.

Đối với ngành nông nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đầu ra luôn là điều quan trọng. Thời gian qua, nông dân ở nhiều tỉnh, thành liên tục thua lỗ vì cứ đến mùa thu hoạch là không bán được hoặc bị tiểu thương ép mua với giá “rẻ như bèo”. Tuy nhiên khi được hỏi về vấn đề này, anh Hùng ung dung: “Hiện tại, gia đình đã có một số mối ổn định ở trong tỉnh và TP.HCM, ngoài ra chủ trại cung cấp giống cũng bảo đảm về đầu ra cho mình nên cũng không lo ngại lắm”.

Trang trại nhỏ, ý tưởng lớn

Hiện tại gia đình anh Hùng có 3 chuồng nuôi chim trĩ đỏ với số lượng đàn 200 con, trong đó có gần 50 con chim giống. Với quy mô trên, nếu gọi trại chim trĩ này là trang trại thì chưa thật sự chính xác, tuy nhiên đằng sau đó là cả một dự định lớn mà vợ chồng người nông dân trẻ này đang ấp ủ.

Anh Hùng cho biết, nếu đàn chim giống phát triển ổn định thì trong năm tới, gia đình mở trang trại rộng hơn để tăng số lượng đàn chim lên từ 500 - 600 con. Theo đó, vợ chồng người nông dân trẻ dự định sẽ xây thêm 6 chuồng để lấy chỗ nuôi số chim mới nở và mua thêm giống trĩ xanh và chim công về nuôi cho đa dạng hơn. “Nhà còn đất, chim trĩ lại dễ nuôi mà không tốn thời gian, mở rộng ra kiếm thêm thu nhập cũng nên lắm chứ!”, anh Hùng nói.

Với giá thành khá hợp lý như hiện tại (280.000 - 320.000 đồng/kg) việc thưởng thức món thịt chim trĩ đã không còn quá xa xỉ với người tiêu dùng. Nhận thức được điều này, anh Hùng đang ấp ủ dự định về việc hình thành khu vực chuyên chăn nuôi chim trĩ ở Hòa Lợi để cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng cho thị trường. Để bắt đầu dự định này, anh Hùng đang vận động, chỉ cách nuôi chim trĩ cho những hộ dân lân cận ở ấp Phú Nghị với niềm hy vọng sau này Hòa Lợi sẽ được biết đến như một xã chuyên cung cấp con giống và chim trĩ thịt.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi cho biết: “Địa phương thường xuyên mở các khóa kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong những buổi học có một số học viên quan tâm khá nhiều về loài chim trĩ khi liên tục đặt ra những câu hỏi về việc chăn nuôi loài chim này. Với việc nông dân tìm hướng sản xuất mới, được đào tạo bài bản, bên cạnh là sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, hy vọng nhiều hộ dân ở Hòa Lợi sẽ có thêm những mô hình làm ăn hiệu quả.q

 • ĐÌNH THẮNG