Nuôi cá sặc rằn - hướng đi mới
Sặc rằn là loài cá sống ở nước ngọt và nước lợ, được nuôi nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại Bình Dương, việc nuôi cá sặc rằn gặp nhiều khó khăn bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Tuy vậy, một số nông dân ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo đã tìm tòi, học hỏi và đã tìm ra cách nuôi hiệu quả mang lại giá trị kinh tế cao.
Thành công từ lứa cá đầu tiên
Ông Phùng Văn Thức, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt ở xã Tam Lập là người đầu tiên tự tìm hướng đi mới và đã thành công với mô hình nuôi cá sặc rằn. Hơn 2 năm nay, ông Thức đã chuyển đổi mô hình từ nuôi cá rô, trê, trắm sang nuôi cá sặc rằn, hiệu quả mang lại rất khả quan.
So với các loài cá khác, nuôi cá sặc rằn có cùng nguồn thức ăn nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn. Trong ảnh: Các thành viên trong Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt xã Tam Lập tham quan mô hình nuôi cá sặc rằn của ông Phùng Văn Thức.
Hơn 10 năm trước, thấy một số người nuôi cá rô đồng, cá rô đầu vuông sau vài vụ trở thành tỷ phú. ông Thức cũng bắt đầu đào ao nuôi cá. Do chưa có kinh nghiệm, giá cả trên thị trường bấp bênh, chi phí đầu tư lại cao… nên thu nhập không được là bao. Không nản chí, đầu năm 2013, qua tìm hiểu thực tế ở các cơ sở nuôi cá sặc rằn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ông đã đầu tư nuôi thử nghiệm trên diện tích gần 1 ha mặt nước ao nhà. Tuy là lần đầu tiên nuôi thử nghiệm nhưng thay vì mua cá giống như nhiều người nuôi khác, ông lại thử thả trứng cá giống. “Qua tìm hiểu đặc điểm sinh học của loại cá này, tôi nhận thấy cá sặc rằn cũng dễ ương dưỡng nên thả giống cá bằng trứng có thể nâng cao khả năng thích ứng môi trường mới của cá ngay từ nhỏ. Bằng các hoạt động chăm sóc, quản lý hệ thống ao được kiểm tra kỹ càng mỗi ngày, chất lượng nước, thức ăn và lượng cho ăn được điều chỉnh tăng giảm hàng ngày… tôi đã nuôi thành công cá sặc rằn ngay từ lứa cá đầu tiên”, ông Thức cho biết.
Với cách làm này, chỉ sau 8 tháng xuống giống bằng trứng cá, ông Thức đã thu hoạch trên 36 tấn cá (loại 7 con/kg). Với giá từ 55.000 - 70.000 đồng/kg hiện nay, sau khi trừ chi phí ông thu về gần 1 tỷ đồng lợi nhuận.
Hiện nay, một số gia đình nông dân ở xã Tam Lập đã nuôi cá sặc rằn đem lại hiệu quả. Theo kinh nghiệm của các hộ ở đây, nuôi cá sặc rằng không khó, chỉ cần chịu khó tìm hiểu kỹ tình trạng sức khỏe con cá để có hướng xử lý thích hợp. Điều cần lưu ý là cá sặc rằn sinh sản rất nhiều, sau khi tát ao bắt cá lớn còn có đàn con nuôi tiếp. Do vậy, người nuôi cần tính toán khoảng 3 - 4 tháng khi cá sắp xuất bán thì xuống giống cá con. Cứ tuần tự nuôi kiểu cuốn chiếu và thu hoạch tỉa theo từng đợt như vậy mỗi năm có thể thu hoạch 3 đợt.
Nông dân cần vốn đầu tư
Thấy mô hình nuôi cá sặc rằn của ông Thức lợi nhuận cao, nhiều bà con đã đến học hỏi kỹ thuật và tổ chức nuôi ở gia đình; trong đó đã có 4/18 thành viên trong Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt ở xã Tam Lập triển khai mô hình này.
Nhìn chung, bước đầu mô hình nuôi cá sặc rằn đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên, việc phát triển rộng rãi mô hình này vẫn có những khó khăn. Ông Bùi Văn Quen, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết tuy đã được Phòng Kinh tế kỹ thuật, Trạm Khuyến nông huyện tạo điều kiện cho cách thành viên Câu lạc bộ nuôi cá nước ngọt ở xã Tam Lập tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản… nhưng khó khăn nhất hiện nay mà các thành viên trong câu lạc bộ vẫn là nguồn vốn. Nhiều hộ nông dân ở huyện muốn chuyển sang nuôi loại cá này hoặc đầu tư mở rộng, nâng cấp quy mô ao nuôi nhưng thiếu kinh phí. Do vậy, trong thời gian tới, ngoài việc nâng cấp từ câu lạc bộ trở thành hợp tác xã để được tiếp cận nguồn vốn, hội mong muốn Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con mở rộng sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả hơn.
Các hộ nuôi cá sặc rằn ở xã Tam Lập cho biết, mô hình nuôi cá sặc rằn trên địa bàn xã hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, chưa theo theo quy hoạch và vốn tự có hạn chế… nên người dân vẫn cần nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
TRÚC HUỲNH