Nước sạch - Nguồn tài nguyên hữu hạn

Thứ hai, ngày 09/05/2016

(BDO) Tại hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hiệp quốc (UNCED) năm 1992 diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro (Brasil), Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã phát đi thông điệp toàn cầu: Nước sạch - Nguồn tài nguyên hữu hạn, quan trọng hơn cả lương thực, thực phẩm đang dần bị cạn kiệt, ô nhiễm. Cùng với việc đầu tư, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, thời gian qua tỉnh Bình Dương luôn quan tâm đến lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường; khuyến khích người dân sử dụng nước sạch tiết kiệm và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Người dân xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên rất vui vì có nước sạch sử dụng Ảnh: DUY CHÍ

Nước sạch không thiếu, nhưng phải biết tiết kiệm

Nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của lãnh đạo tỉnh cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế, đến nay hệ thống cung cấp nước sạch của tỉnh Bình Dương đã được hiện đại hóa bằng nhiều nhà máy cấp nước công suất lớn. Tỉnh nhà cũng chủ động được nguồn nước cấp nhờ tận dụng lợi thế từ 2 con sông lớn là Sài Gòn và Đồng Nai, cùng với nguồn dự trữ là hệ thống nước ngầm trữ lượng lớn. Các nhà máy cấp nước còn được kết nối liên thông với nhau bằng hệ thống quản lý hiện đại, bảo đảm hoạt động liên tục, chủ động phòng tránh có hiệu quả các rủi ro do thiên tai, sự cố khách quan, ngoài ý muốn.

Ông Mai Song Hào, Phó Giám đốc Nhà máy cấp nước Khu liên hợp cho biết, từ nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) do Chính phủ bảo lãnh, Xí nghiệp cấp nước Khu liên hợp đã lần lượt được tỉnh đầu tư 2 nhà máy cấp nước hiện đại, công suất lớn (90.000m3/ ngày đêm), không chỉ bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho cả sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trên địa bàn mà còn vượt qua các con sông lớn, địa bàn hiểm trở để đưa nước sạch đến những vùng còn khó khăn về nguồn nước như các xã Phú An, An Tây của TX.Bến Cát. Những nơi này tuy gần sông lớn nhưng lại nằm sát các khu công nghiệp, việc đi lại vận chuyển nước rất khó khăn. Còn giếng khoan thì phần lớn đều bị nhiễm phèn, sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng sức khỏe.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Môi trường Bình Dương (Biwase) khẳng định, với hệ thống nhà máy cấp nước được đầu tư hiện đại, sử dụng nguồn nước mặt công suất lớn lại được đấu nối liên thông nhau, cùng với đó quản lý vận hành bằng công nghệ scada giúp chủ động trước nhiều rủi ro khách quan, thời tiết nên tỉnh Bình Dương đã bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất, đồng thời còn chia sẻ khó khăn với một số địa phương như huyện Củ Chi, quận Thủ Đức của TP.Hồ Chí Minh, Tân Vạn, Tân Hạnh của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. “Dù đã bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch nhưng chúng tôi vẫn khuyến khích khách hàng phải sử dụng nước sạch tiết kiệm, hiệu quả. Điều này được Biwase gương mẫu thực hiện trong đầu tư, quản lý, vận hành. Kết quả, tỷ lệ thất thoát nước của Bình Dương thấp nhất cả nước, dưới 7% và chỉ đứng sau Singapore - quốc gia có tỷ lệ thất thoát nước chỉ 5%”, ông Thiền nói.

Phủ kín địa bàn

Dưới cái nắng hừng hực có lúc lên đến 400C, đội thi công của Xí nghiệp cấp nước Nam Tân Uyên vẫn chạy đua với công việc lắp đặt vì người dân xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên đang rất cần nước sạch để sinh hoạt. Ông Phạm Tấn Vĩ, Chủ tịch UBND xã Tân Định cho biết, từ trước đến nay người dân trong xã chưa có nước sạch để ăn uống, sinh hoạt nên bà con trông chờ và rất vui mừng khi đường ống dẫn nước sạch được kéo về tới địa phương. Hiện cuối xã là ấp Cây Chanh tình trạng khan hiếm nước sạch để sử dụng vào mùa khô đã tạm thời được giải quyết, bằng việc lắp đặt tạm vòi nước công cộng để bà con sử dụng chung. Tiền sử dụng nước sẽ do UBND huyện chi trả.

Trực tiếp có mặt cùng đội thi công trên công trường, ông Phạm Đắc Thành, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Nam Tân Uyên nói: “Từ trước Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, chúng tôi luôn bám sát công trường, tranh thủ từng giờ từng phút để đưa nước sạch về phục vụ bà con. Do tuyến đường Tân Thành - Mười Muộn đang thi công, nhiều chỗ chưa giải tỏa xong, để đưa đường ống chính vượt qua những đoạn này chúng tôi đã kiên trì phối hợp với chính quyền địa phương cùng vận động bà con “cho” đường ống đi qua. Những nơi quá khó khăn chúng tôi phải chọn giải pháp đi tắt, đi vòng để kịp đưa nước về cho bà con vùng xa. Tại khu vực xã Tân Định, mỗi ngày đội thi công lắp đặt từ 10 đến 15 thủy kế và được nhân dân hoan nghênh, ủng hộ”.

Bao phủ địa bàn khá rộng gồm các thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và một phần TP.Thủ Dầu Một, Xí nghiệp Cấp nước Dĩ An vừa bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sạch cho sinh hoạt vừa phục vụ nhu cầu sản xuất tại các khu công nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó Giám đốc xí nghiệp, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn diễn ra khá nhanh, nhờ thực hiện chủ trương xã hội hóa của tỉnh, Biwase đã kịp thời phát triển thêm nhà máy mới bằng hình thức PPP (công ty kết hợp). Nên từ chỗ chạy vượt công suất như mấy năm trước thì nay xí nghiệp đã có dự phòng.

Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, Biwase đang triển khai xây dựng thêm nhiều công trình cung cấp nước sạch tại các khu đô thị, khu công nghiệp mới hình thành ở các huyện phía bắc của tỉnh như Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên. Ông Nguyễn Văn Thiền cho rằng, nhu cầu về nước sạch của người dân là rất quan trọng. Vì vậy, công ty đã rất nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để bảo đảm cung cấp đủ nước sạch cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hiện tại, hệ thống cung cấp nước sạch đã phủ kín địa bàn, sẵn sàng đáp ứng yều cầu sinh hoạt và sản xuất.

* Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch Hội Nước Việt Nam: Bình Dương đi đầu trong cấp thoát nước

Nhiều đô thị ở Việt Nam đang mắc phải hội chứng “thừa nước bẩn, thiếu nước sạch”. Cụ thể, vào mùa khô mà đường phố vẫn ngập do ảnh hưởng triều cường. Bình Dương là tỉnh đi đầu nhờ bảo đảm quy hoạch và tinh thần trách nhiệm cao trong đầu tư, quản lý, vận hành. Tỷ lệ thất thoát nước của Bình Dương thấp nhất cả nước, dưới 7% là mục tiêu phấn đấu của nhiều địa phương trong cả nước.

* Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguồn vốn phát triển đều phục vụ nhu cầu của nhân dân

Nhiều nhà tài trợ quốc tế đã chất vấn lãnh đạo tỉnh là vì sao các tỉnh, thành lân cận đã 2 - 3 lần tăng giá nước; Bình Dương cũng cam kết 2 năm tăng/ lần mà nhiều năm qua chưa thấy điều chỉnh. Có phải tỉnh Bình Dương đã “bao cấp” vấn đề này? Chúng tôi đã thẳng thắn trả lời: Nguồn vốn vay phát triển là để phục vụ nhu cầu phát triển, phục vụ người dân. Tỉnh Bình Dương đã dành hết nguồn vốn đó theo đúng cam kết, cộng với việc lựa chọn công nghệ hiện đại, tiết kiệm và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ quản lý. Nhờ tiết kiệm tốt mà Bình Dương kéo dài thời gian tăng giá nước so với các tỉnh, thành lân cận.

 

 DUY CHÍ

 

 

Từ khóa: