Nước ngầm - Nguồn tài nguyên cần được bảo vệ, khai thác hợp lý

Thứ năm, ngày 28/03/2019

(BDO) Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Dương đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất. Theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên vàMôi trường (TN&MT), mực nước dưới đất tại những khu vực sản xuất tập trung như KCN Sóng Thần, Khu sản xuất An Phú giai đoạn 2003-2008 có xu hướng hạ thấp trung bình 2m/ năm tại khu vực Sóng Thần và 1m/năm tại khu vực An Phú.

Sụt giảm nước ngầm và những hệ lụy

Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã đúc kết và đưa ra cảnh báo về nguy cơ sụt giảm nước dưới đất (nước ngầm) sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, điển hình như gây sụt lún công trình xung quanh. Cụ thể, việc hạ thấp mực nước ngầm sẽ dẫn tới hiện tượng sụt lún các lớp đất đá trong tầng chứa nước, bởi vì tại các tầng đất chứa nước luôn có một lực đẩy ascimet để nâng các khối đất đá lên. Khi khai thác nước ngầm quá mức sẽ làm mực nước hạ thấp và tầng đất này không còn lực đẩy ascimet nữa. Từ đó hình thành các lỗ hổng lớn, dẫn tới sụt lún các công trình, gây thiệt hại về kinh tế cũng như tính mạng con người.

Việc khai thác quá mức nước dưới đất mà không có sự kiểm soát chặt sẽ gây ra một số tác động như: Làm thấp mực nước dưới đất do việc khai thác nước ngầm tràn lan, không có quy hoạch sẽ làm cho mực nước ngầm tại khu vực cạn kiệt dần và làm thấp mực nước ngầm; ảnh hưởng tới công trình khai thác nước ngầm. Cụ thể, khi một công trình khai thác nước ngầm đi vào hoạt động thì ảnh hưởng của nó sẽ lan rộng khá nhanh tới khu vực xung quanh, tác động tới các công trình khai thác lân cận làm cho mực nước trong các công trình này bị hạ thấp, do vậy sẽ làm tăng chi phí và giảm hiệu suất khai thác của công trình, đồng thời khoảng cách giữa các công trình khai thác càng gần nhau thì mực nước hạ thấp càng nhiều.

Cán bộ, nhân viên ngành tài nguyên - môi trường theo dõi hình ảnh quan trắc trực tiếp tại Phòng Quan trắc tự động và dữ liệu Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: DUY CHÍ

Các chuyên gia cũng khẳng định, khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát, không đúng kỹ thật sẽ tạo cơ hội cho nước bẩn thâm nhập, làm biến đổi chất lượng nguồn nước. So với nước mặt, nước ngầm ít bị ô nhiễm hơn, nhưng đối với các vùng mà lớp phủ trên tầng chứa nước mỏng hoặc có tính thẩm thấu lớn, làm cho nước mặt thấm xuống nhiều cũng rất dễ gây nhiễm bẩn tầng chứa nước. Bên cạnh đó, ở các lỗ khoan có kết cấu cách ly kém, nước bẩn có thể theo thành lỗ khoan thâm nhập vào tầng chứa nước, làm ô nhiễm nước dưới đất. Cùng với đó, quá trình khai thác nước làm cho mực nước hạ thấp sẽ làm tăng độ dốc thủy lực của dòng thấm cũng có thể làm tăng quá trình ô nhiễm… Trên cơ sở này, các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, khi nước dưới đất đã bị ô nhiễm thì việc khắc phục rất khó khăn và phức tạp, không những tốn kém kinh phí xử lý mà còn đòi hỏi thời gian khắc phục lâu dài, tốn kém.

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm

Trước thực trạng nói trên, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1471/QĐ-UBND ngày 19-5- 2011 về việc phê duyệt danh mục và bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía nam Bình Dương, Quyết định số 3258/ QĐ-UBND ngày 10-12-2015 về việc phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất và bản đồ phần khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, Sở TN&MT đã khẩn trương triển khai thực hiện Đề án “Xác định vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía nam tỉnh Bình Dương”, Đề án “Điều chỉnh, xác định bổ sung vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Bình Dương”.

Kết quả quan trắc của Sở TN&MT trước đây tại các khu vực cómực nước suy giảm mạnh liên tục cho thấy khu vực Sóng Thần giảm khoảng 2m/năm, khu vực An Phú giảm khoảng 1m/năm; mức xuống trung bình là 50m thì nay đã nâng lên trung bình 43m. Đây là kết quả đáng mừng trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất của tỉnh theo Thông tư 47 của Bộ TN&MT.

Kết quả việc thực hiện các đề án cho thấy, tỉnh đã hạn chế được tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí nguồn nước dưới đất, đặc biệt là tại những khu vực nhạy cảm, có nguy cơ ô nhiễm cao như nghĩa trang, bãi rác, khu vực nhiễm mặn và khu vực có nguy cơ suy thoái, cạn kiệt. Nhiều doanh nghiệp nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã chủ động thực hiện trám lấp giếng khoan và chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung cho toàn bộ các mục đích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa chấp hành tốt quy định về vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Nhất là nhiều doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục khai thác sử dụng nước dưới đất. Khi ngành chức năng công bố quyết định kiểm tra việc khai thác sử dụng nước dưới đất, các doanh nghiệp này thường đối phó bằng cách tháo dỡ thiết bị bơm hút nước hoặc tự thực hiện việc trám lấp giếng khoan không đúng theo quy định.

Đây không chỉ là tình trạng phổ biến tại Bình Dương, mà là tình trạng của chung các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh phát triển công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất với lưu lượng lớn.

Ông Bùi Đức Thuận, Trưởng phòng Quan trắc tự động và dữ liệu, Trung tâm Quan trắc kỹ thuật TN&MT, Sở TN&MT, cho biết thể hiện quyết tâm của tỉnh là “phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường”, thời gian qua UBND tỉnh đã đầu tư 38 công trình quan trắc phủ toàn địa bàn, đặc biệt là bám sát bản đồ vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất theo quyết định của UBND tỉnh. Năm 2015, Sở TN&MT được đầu tư thêm công trình giám sát nước tại các điểm quan trắc, tập trung ở 3 vị trí trọng yếu như Sóng Thần, An Phú và Vĩnh Phú. Kết quả quan trắc tại các vị trí này được truyền trực tiếp về bộ phận quản lý để kịp thời thông báo, cảnh báo các trường hợp vi phạm quy định theo giấy phép đăng ký, xả thải không đạt tiêu chuẩn...

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Nhà máy Xử lý nước thải TX.Dĩ An, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn đều sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) nên phải bảo đảm tiêu chuẩn và được giám sát rất chặt chẽ. Bên cạnh hệ thống quan trắc của nhà máy, đơn vị còn chịu sự giám sát bằng hệ thống quan trắc tự động của Sở TN&MT nhằm bảo đảm nguồn nước đã qua xử lý trước khi thải ra môi trường phải bảo đảm tiêu chuẩn đăng ký. Có thể thấy, việc đầu tư hệ thống quan trắc, giám sát bảo vệ môi trường là hoàn toàn hợp lý, đúng đắn, vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Tiếp tục siết chặt quản lý vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất

Để quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất, UBND tỉnh tiếp tục siết chặt quản lý vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đến năm 2020. Theo đó, đơn vị, doanh nghiệp có mức khai thác đến 200m3/ngày đêm nước dưới đất phải đăng ký và thực hiện nghiêm các quy định bắt buộc ghi trên giấy phép; đồng thời phải thực hiện song song hai hệ thống quan trắc về khối lượng và chất lượng nước, độ sâu của giếng khai thác.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 đơn vị triển khai quy định nói trên là Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương. Các đơn vị khác đang tìm kiếm nguồn kinh phí, xây dựng đề án, dự án, trong đó có Trung tâm Khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với khoảng 100 giếng.

TÔN THẤT SƠN

 

DUY CHÍ