Nước Nga và ký ức một thời...
(BDO) Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917 -7.11.2017), với những ai đã từng được sinh sống, học tập và làm việc tại Nga (Liên Xô cũ) lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Hình ảnh nước Nga thân yêu với hàng bạch dương và cả những mùa đông băng tuyết với vẻ đẹp đến ngỡ ngàng lại hiện về. Và ở đó, còn có cả tuổi thanh xuân với bao ước mơ, hoài bão...
Các thành viên Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Bình Dương gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhân buổi họp mặt kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh : T.THẢO
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917- 7.11.2017), Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Bình Dương đã tổ chức họp mặt hội viên của hội để cùng nhau ôn lại ý nghĩa to lớn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, đồng thời khẳng định về mối quan hệ truyền thống sâu nặng nghĩa tình trước sau như một của nhân dân Việt Nam với nước Nga. Nhân dân Việt Nam luôn dành tình yêu lớn lao đối với nhân dân Liên Xô trước đây nói chung và nhân dân nước Nga nói riêng.
Ông Trần Văn Thấy, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Bình Dương, cho biết giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười Nga chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất lúc bấy giờ. Trong lịch sử loài người chưa có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã mở đường cho chủ nghĩa Mác - Lenin lan tỏa tới tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới, soi sáng con đường đấu tranh cho nhiều nước ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống thuộc địa của chúng và giành được tự do, độc lập, đưa nhân dân lên địa vị làm chủ xã hội.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc từ những tư tưởng trong bản Luận cương của V.I.Lenin “Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa”. Trên cơ sở bản Luận cương củaV.I.Lenin, Nguyễn Ái Quốc biên soạn tác phẩm “Đường Kách mệnh” vào năm 1927. Trong tác phẩm này, Người nêu rõ: “Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười - con đường duy nhất đúng đắn, Cách mạng Việt Nam mới giành được, độc lập, tự do thực sự”.
Cách mạng Tháng Mười Nga đã cổ vũ nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Cũng từ đó, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Liên Xô nẩy nở, không ngừng được củng cố và phát triển.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, đó là một nhân tố quốc tế không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiều mặt của Liên Xô, nhất là trong lĩnh vực củng cố quốc phòng - an ninh.
Với những ai từng có thời gian gắn bó với nước Nga thân yêu trong những ngày này, cảm xúc lại dâng trào. Bởi ở đó có những miền ký ức với biết bao kỷ niệm đẹp của một thời thanh xuân. Ông Võ Ký, hội viên Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Nhân dân Việt Nam luôn luôn cảm ơn nhân dân Nga. Giữa lúc còn “lạ nước lạ cái”, bỡ ngỡ với gần như mọi thứ trên miền đất mới, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân Nga. Tôi được những giáo viên, sinh viên Nga miệt mài dạy tiếng Nga. Những người thầy, người cô xem như con em trong gia đình, chỉ bảo tận tình từng ly từng tí…”. Ông Võ Ký sang Nga từ năm 1960, theo học ngành kinh tế. Sau 5 năm học tập, ông trở về phục vụ quê hương.
Trở về Việt Nam sau bao nhiêu năm, với những người từng có thời gian gắn bó với nước Nga thì thật đáng nhớ… “Tạm biệt Nước Nga ơi...!/ Tạm biệt nhé! những mùa lá vàng rơi/Thu lãng mạn, thu vàng… bao nỗi nhớ/Tạm biệt cả, những áng thơ tình bất hủ/Đã nuôi dưỡng tâm hồn, bao thế hệ Việt Nam/Tạm biệt những mùa đông đẹp đến ngỡ ngàng/Những bông tuyết trắng... cùng một thời thiếu nữ…”
Những dòng thơ như thay lời tâm sự khi nhớ về đất nước Nga thân yêu của chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, hội viên Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Bình Dương. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh là lớp con em cán bộ được đưa đi hợp tác lao động ở Nga đầu tiên của Bình Dương. Chị sang Nga làm việc trong xưởng may. Ở cái tuổi 18, tuổi đẹp nhất của đời người, chị đã gắn bó với nước Nga. Trở về Việt Nam sau 5 năm, chị đã đem những điều đã học được ở nước Nga truyền đạt lại cho lớp công nhân Việt Nam.
Với những người từng sinh sống, học tập, làm việc ở Nga dù ở khoảng thời gian nào, xưa nay cũng luôn dành cho đất nước này một tình cảm tốt đẹp. Họ luôn mong có dịp trở lại ơi ấy... “Tạm biệt nhé Komsomolsk bé nhỏ/Tạm biệt hàng cây, ghế gỗ, công viên/ Tạm biệt em bao lối cũ thân quen.../Tôi trở về với Việt Nam quê mẹ”.
“Tôi có may mắn được sang nước Nga học tập trong khoảng thời gian một năm. Thời điểm đó cách đây đã 30 năm rồi. Tôi còn nhớ, tại trường Đại học Tổng hợp Krasnodar, tôi đã gặp nhiều thầy, cô và các bạn bè nước Nga. Các thầy cô đã luôn giúp đỡ, hỗ trợ và xem tôi như con em của họ vậy. Ngoài những giờ học ở trường, tôi còn được tham quan nhiều nơi như thành phố Sochi bên bờ biển Đen hay Quảng trường Đỏ… Nước Nga trong tôi lúc bấy giờ rất hùng vĩ, lãng mạn và tươi đẹp. Tất cả những hình ảnh ấy tôi luôn lưu giữ với một tình cảm thật đặc biệt. Mới đây, tôi có dịp trở lại nước Nga sau gần 30 năm xa cách, nhiều kỷ niệm ùa về, trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Nước Nga rất kỳ vĩ nhưng cũng hết sức bình yên, thơ mộng. Tôi vẫn luôn mong muốn được trở lại vùng đất xứ Bạch Dương để trải nghiệm về những điều diệu kỳ nơi đây.
(Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ)
THU THẢO