Nước dưới đất: Chung tay giữ gìn, bảo vệ tài nguyên quý

Thứ năm, ngày 22/12/2011

Bình Dương có nguồn nước dưới đất (NDĐ) khá phong phú. Theo tính toán của đề án “Điều tra hiện trạng, quy hoạch khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý tài nguyên NDĐ tỉnh Bình Dương”, cho biết trữ lượng NDĐ tiềm năng khoảng 2,2 triệu m3/ngày đêm. Với đặc điểm chiều sâu phân bố nông, dễ dàng khai thác, chất lượng tốt, chi phí xử lý thấp, NDĐ luôn là sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp và người dân, thế nhưng...   Trám lắp giếng hư hỏng, không sử dụng là góp phần bảo vệ môi trường và sự sống của nhân loại

Nước dưới đất ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Tài nguyên nước và khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết, kết quả điều tra trên 188.000 doanh nghiệp và hộ gia đình năm 2009, cho thấy trong tổng số 186.400 giếng khoan có 182.000 giếng của hộ gia đình, trong đó có 6.640 giếng hư hỏng, không sử dụng. Số lượng giếng khoan và giếng hư hỏng không sử dụng không ngừng tăng lên. Điều này hiển nhiên làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm các tầng chứa nước.

Sử dụng NDĐ từ lâu là nhu cầu thiết yếu của người dân và phần lớn hộ gia đình đều khai thác sử dụng nước tầng nông là chủ yếu để sinh hoạt hàng ngày, không chỉ giặt giũ mà còn dùng nó để ăn uống. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ngày càng phát triển nhanh chóng đã phát sinh một số nơi có hiện tượng người dân chưa thu gom nước thải, làm cho nước thải ngấm sâu vào lòng đất gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Ở vài công ty, xí nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp cũng thế. Do cơ sở hạ tầng chưa thu gom nên nước thải sau xử lý cũng cho tự thấm xuống lòng đất, làm ảnh hưởng đến tầng nông nguồn NDĐ.

Ông Tân phân tích hiện nay, doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng giếng khoan rất nhiều. Thế nhưng, hầu hết cơ sở khoan giếng chưa được cấp phép hành nghề, hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế nên chưa bảo đảm kỹ thuật làm cho nước từ tầng trên lan truyền xuống tầng dưới. Một số hộ dân và doanh nghiệp còn sử dụng những giếng hư hỏng làm nơi chứa chất thải; mức độ khai thác nước ngầm tăng đã dẫn đến suy thoái cạn kiệt nguồn nước, xảy ra quá trình xâm nhập mặn vào các tầng chứa nước.

Tiết kiệm nước để bảo vệ môi trường và sự sống

Thực trạng khai thác, sử dụng NDĐ tràn lan, kỹ thuật khoan giếng, cách ly tầng chưa bảo đảm, giếng hư hỏng không được trám lấp đúng quy định trên địa bàn đã và đang gây ra những tác động xấu đến tài nguyên NDĐ. Theo kết quả quan trắc của Sở TN-MT, hiện nay, một số khu vực phía nam của tỉnh như khu vực Sóng Thần (TX.Dĩ An), An Phú, Bình Chuẩn (TX.Thuận An)... tình trạng mực nước ngầm hạ thấp liên tục trong nhiều năm, chất lượng nước tầng nông có dấu hiệu ô nhiễm, đặc biệt là khu vực Vĩnh Phú (TX.Thuận An) các tầng chứa nước đã bị nhiễm mặn, nồng độ mặn ngày càng tăng lên, chứng tỏ ranh giới nước mặn ngày càng lấn sâu vào vùng nước nhạt.

Để giữ gìn nguồn NDĐ được bền vững lâu dài, ông Tân khuyến cáo đến người dân và doanh nghiệp phải tính đến việc sử dụng nước thật tiết kiệm để bảo vệ môi trường và sự sống của nhân loại. Chính vì thế, bảo vệ nguồn NDĐ giờ đây không còn là của cơ quan quản lý Nhà nước mà là trách nhiệm của cả cộng đồng dân cư, của doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, không phải bây giờ mà từ lâu đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành danh mục và bản đồ phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác NDĐ khu vực phía Nam; đồng thời tăng cường công tác quan trắc NDĐ, mở rộng mạng lưới quan trắc NDĐ tại những khu vực có dấu hiệu ô nhiễm; tăng cường quản lý, kiểm soát và cấp phép khai thác NDĐ, xả nước thải vào nguồn nước và kiểm soát các cơ sở hành nghề khoan nước dưới đất và tổ chức điều tra, vận động người dân trám lấp giếng hư hỏng, không sử dụng. Vấn đề quan trọng hiện nay là về phía người dân và doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên NDĐ.

Bình Dương đang thừa hưởng một nguồn tài nguyên nước ngầm quý giá. Nếu sử dụng hiệu quả sẽ là một trong những điều kiện cần để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Vì vậy hơn lúc nào hết, nguồn NDĐ cần được bảo vệ, giữ gìn làm nguồn dự trữ cho chiến lược phát triển trong tương lai.

Mai Huy