Núi lửa Iceland gây hỗn loạn hàng không châu Âu

Thứ sáu, ngày 16/04/2010

 

Một cột tro bụi cao đến 6 km đã làm tê liệt giao thông hàng không khắp các nước Bắc Âu  hôm qua và sau đó ảnh hưởng đến giao thông hàng không các nước Tây Âu.

 

Pall Einarsson, tiến sĩ vật lý trường đại học Iceland, cho biết núi lửa dưới sông băng Eyjafjallajokull vẫn tiếp tục phun khói và tro với khối lượng khổng lồ. Không thấy có dấu hiệu nào cho thấy hoạt động này giảm sút trong 40 giờ qua.

  

Cột tro bụi  bốc cao 6.700 mét

Sức nóng của khói và tro đã làm tan chảy 1/3 tảng băng bao trùm miệng núi lửa, gây ra lụt lội kèm theo những tiếng nổ lớn như bom nổ.

 

Hôm qua 15-4, đã có 800 người sống gần các con sông đi sơ tán.

 

Trong khi đó, nha khí tượng Pháp cho hay  lúc 2 giờ sáng nay (giờ địa phương, tức 7g00  giờ VN) đám mây dày đặc tro bụi từ Iceland đã lan tới vùng trời Paris sau khi tràn vào nước này lúc 20g đêm qua.

 

25 sân bay của Pháp, kể cả  sân bay Roissy-Charles de Gaulle, Orly và Le Bourget, đã lần lượt đóng cửa. Tình trạng này dự kiến sẽ kéo dài ít nhất dến 14 g00 hôm nay nhưng các chuyến bay có thể sẽ còn bất ổn trong 48 giờ tới.

 

Do hiệu ứng domino, 50 chuyến bay giữa Bắc Mỹ và châu Âu đã bị hủy sáng sớm hôm nay, theo Tổ chức an ninh hàng không châu Âu (Eurocontrol).

 

Như vậy, sau Anh, Scandinavia, Bỉ và Luxembourg, Đức và Pháp đã phải đóng cửa các sân bay của mình vì lý do an ninh. Bà Kyla Evans, người phát ngôn của Eurocontrol, ước tính có khoảng 4.000 đến 5.000 chuyến bay đã bị hủy bỏ trên tổng số 28.000 chuyến bay/ngày trên toàn châu Âu.

 

Tại Anh, vùng trời đã bị đóng cửa hôm qua kể từ 11g đến 5g GMT hôm nay. Phần lớn các chuyến bay đến và đi tử Anh đã bị hủy. Tất cả các sân bay của Anh, trong đó có Heathrow, đứng đầu thế giới về lưu lượng giao thông, đều bị đóng cửa. Vùng trời Bắc Ireland và Scotland cũng cùng chung số phận.

 

Nhiều sân bay ở Đức, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển, Bắc Phần Lan, Ba Lan cũng đã bị đóng cửa hôm qua 15-4.

 

Eyjafjallajokull là sông băng lớn thứ 5 ở Iceland. Núi lửa nằm dưới sông băng này đã từng phun trào năm lần trong quá khứ. Lần phun trào gần đây nhất xảy ra hồi tháng ba năm 2004.

(THEO TUỔI TRẺ)