Nữ nhà giáo TX.Bến Cát: Giỏi việc trường, đảm việc nhà

Thứ ba, ngày 20/10/2015

(BDO) Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” trong ngành giáo dục đã mang lại hiệu quả thiết thực, vì đã thực sự gắn kết thiên chức cao cả của người phụ nữ với đặc trưng cao quý của nghề dạy học. Đối với nữ nhà giáo TX.Bến Cát, nhiều chị em đã làm tròn cả 2 vai trò, xứng đáng là người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

 Một nữ nhà giáo trường Tiểu học Mỹ Phước tận tâm, tận tụy với học sinh.

Ảnh: A.SÁNG

Trước đây, phụ nữ là người giữ lửa hạnh phúc gia đình, là người nâng khăn, sửa túi cho chồng, còn ngày nay chị em gánh nặng cả 2 vai: việc xã hội và việc nhà. Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới, phụ nữ nói chung, nữ nhà giáo nói riêng càng nặng nề hơn, đòi hỏi chị em phải nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành cả 2 nhiệm vụ. Với đặc thù nghề nghiệp, đội ngũ nữ nhà giáo TX.Bến Cát chiếm trên 70% trong tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành. Trong những năm qua, phong trào thi đua giỏi việc trường - đảm việc nhà (GVT-ĐVN) đã được công đoàn giáo dục gắn kết với các cuộc vận động lớn của ngành như: “Dạy tốt - học tốt”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…

Bà Phạm Thị Tiền, Phó phòng Giáo dục-Đào tạo thị xã cho rằng, nếu một người phụ nữ chỉ biết mải mê công việc xã hội, sự nghiệp mà bỏ bê trách nhiệm trong gia đình, hay chỉ biết loay hoay với việc nhà mà không tham gia vào công tác xã hội thì chưa hoàn thành thiên chức của người phụ nữ trong thời đại mới. Để chị em vừa GVT-ĐVN, Công đoàn giáo dục TX.Bến Cát đã nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ nữ CB-GV-NV. Biết khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của nữ nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, góp phần thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa địa phương, nâng cao địa vị nữ nhà giáo trên các lĩnh vực trong thời kỳ mới.

Thời gian qua, có nhiều nhà giáo đã nêu được tấm gương sáng về lòng yêu nghề, ý chí vượt khó, quyết tâm rèn luyện để trở thành giáo viên, cán bộ quản lý giỏi. Đó là nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Hiền, chồng mất vì tai nạn giao thông, cô đã vượt qua cú sốc quá lớn đó và nuôi dạy 2 con chăm ngoan, học giỏi, còn bản thân cô phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi và hiện tại là Phó Hiệu trưởng trường THCS Phú An. Các giáo viên: Phạm Thị Minh Khang, THCS Bình Phú; Nguyễn Thị Thanh Thủy, THCS Mỹ Phước; Hà Thị Thanh Loan, Tiểu học Hòa Lợi… có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng dạy học, 5 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở, đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi giải thưởng Võ Minh Đức. Và, còn nhiều nữa những giáo viên tận tụy, yêu nghề, tất cả vì đàn em thân yêu.

Ở trường, các cô làm tốt vai trò của người thầy, về nhà các nữ nhà giáo là những người phụ nữ đảm đang, biết vun vén, chăm lo cho tổ ấm của mình. Nhiều chị đã thể hiện được sự năng động, sáng tạo, đảm đang, biết cách tổ chức, sắp xếp công việc gia đình. Các chị là nhân tố giữ gìn, xây dựng truyền thống gia đình với chuẩn mực “ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững”. Từ đây đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu trong phong trào hai giỏi, như cô Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Mầm non Hướng Dương; Nguyễn Thị Phượng, Mẫu giáo Thới Hòa; Nguyễn Thị Ngọc Phường, Tiểu học Trần Quốc Tuấn; Nguyễn Thị Lan Thảo, THCS Lê Quý Đôn…

Bà Phạm Thị Tiền cho rằng, phấn đấu trở thành phụ nữ GVT-ĐVN trong giai đoạn hiện nay, các chị em mong được sự quan tâm nhiều hơn từ các cấp lãnh đạo, tạo điều kiện, cơ hội tốt để chị em đóng góp sức lực vào phong trào chung và để khẳng định phụ nữ là phái yếu nhưng lại là lực lượng vừa đông về số lượng, vừa mạnh về chất lượng trong toàn ngành giáo dục - đào tạo.

 A.SÁNG