Nữ nhà giáo nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo trong tình hình mới
(BDO) Với đặc thù nghề, nữ nhà giáo chiếm tỷ lệ khá cao. Đối với ngành giáo dục - đào tạo Bình Dương, có hơn 90% đơn vị có ít nhất 1 nữ làm công tác lãnh đạo. Nhiều năm qua, nữ nhà giáo đã phát huy vai trò, năng lực quản lý trong thực hiện yêu cầu đổi mới giáo dục.
Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), cho biết với những yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, ngoài những kiến thức, kinh nghiệm về quản lý, nữ cán bộ quản lý (CBQL) còn phải nâng cao một số kỹ năng cần thiết để tiếp cận, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Trong đó, cần chú trọng khả năng tổ chức các hoạt động chuyên môn; lựa chọn các mô hình giáo dục tiên tiến, phương pháp mới để áp dụng phù hợp với từng trường và đối tượng học sinh...
Từ năng lực lãnh đạo của 3 nữ cán bộ quản lý trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một), năm học 2017-2018 trường được Bộ Giáo dục - Đào tạo
tặng bằng khen
Với tài năng, sự nhiệt huyết, nữ CBQL trong ngành đã phát huy được vai trò nữ lãnh đạo trong tình hình mới. Tại trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một), cả 3 thành viên trong Ban giám hiệu đều là nữ. Cô Đỗ Thị Như Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng chìa khóa dẫn đến sự thành công trong đổi mới công tác quản lý của CBQL nữ đó là sự công tâm, năng động, sáng tạo, tình cảm nhưng phải quyết đoán trong công việc để bảo đảm “dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”. Với trường THCS Chu Văn An, nhiệm vụ của trường là tạo nguồn học sinh giỏi cho trường THPT chuyên Hùng Vương. Để hoàn thành sứ mệnh ấy, Ban giám hiệu đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp đổi mới quản lý. Trong đó tập trung chỉ đạo các tổ đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn. Ngoài ra Ban giám hiệu còn quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho thầy cô; vận dụng công nghệ thông tin vào trong quản lý; tổ chức hiệu quả phong trào thi đua; nâng cao tầm nhìn của nữ CBQL qua việc tự học, luôn tự rèn bản thân, nêu cao đạo đức của nhà giáo “Tận tâm tận tụy tận lực hết lòng vì học sinh thân yêu”.
Nếu như đội ngũ nhà giáo toàn ngành chiếm số đông là nữ, thì trong các cơ sở giáo dục mầm non, hầu như nữ chiếm gần tuyệt đối. Các cô đã thể hiện được khả năng của mình để thực hiện tốt mục tiêu ngành giáo dục mầm non đặt ra trong tình hình mới, giúp trẻ phát triển về mọi mặt, từ thể chất đến tinh thần. Kinh nghiệm quản lý của cô Lê Thị Bích Thảo, Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Hoa Cúc 9 (TX.Thuận An) cũng đáng để các đồng nghiệp học tập. Theo cô, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên mầm non chính là thực hiện tốt mục tiêu mà giáo dục mầm non đặt ra trong thời đại mới. Cô Thảo cho biết: “Kinh nghiệm của tôi là xây dựng kế hoạch khoa học, phù hợp thực tiễn của trường. Tôi đã đưa ra các giải pháp bồi dưỡng đội ngũ trên tinh thần chia sẻ, hợp tác. Chú ý phát huy năng lực của từng cá nhân để xây dựng đội ngũ cùng tiến. Phát huy tinh thần chủ động học tập, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ với các cô trong trường...”.
Người phụ nữ ngoài việc nước còn phải chu toàn việc nhà, vì vậy các nữ CBQL cần cân bằng giữa công việc và cuộc sống để hoàn thành việc trường một cách hiệu quả. Tại hội thảo Nữ CBQL trong tình hình mới do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua, nhiều nữ nhà giáo đã chia sẻ những kinh nghiệm bản thân để bảo đảm cả hai nhiệm vụ: “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Cô Nguyễn Thị Thu Sương, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Dầu Tiếng), chia sẻ người nữ CBQL muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì bản thân phải biết sắp xếp công việc gia đình và công việc xã hội được hài hòa không xảy ra mâu thuẫn. Sự thành đạt của người phụ nữ được đánh giá bằng một gia đình yên ấm, với sự khôn lớn, trưởng thành của các con.
Tính đến tháng 12-2018, ngành GD-ĐT có 741 nữ/1.100 công chức, viên chức quản lý, chiếm tỷ lệ 67,36%; hơn 90% đơn vị trong toàn ngành có ít nhất 1 nữ trong số thành viên lãnh đạo. Những số liệu trên cho thấy chất lượng nguồn nhân lực nữ ngành giáo dục ngày càng được nâng cao, tỷ lệ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị ngày càng được rút ngắn.
(Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT)
H.THÁI