Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hồng Vân: Trước sóng gió vẫn vững tay chèo

Thứ sáu, ngày 14/10/2011

Xây dựng doanh nghiệp từ xuất phát điểm rất thấp và lèo lái con thuyền của mình trải qua hết khó khăn này đến khó khăn khác trong quá khứ nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Vân vẫn cảm thấy rất lo lắng trước những thử thách khốc liệt trong năm 2011 này.

 Khởi nghiệp từ không kinh nghiệm

Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là doanh nghiệp gốm sứ Đại Hồng Phát do bà Nguyễn Thị Hồng Vân làm chủ lại không có xuất phát từ truyền thống gia đình. Cơ duyên đến với gốm sứ của bà Vân cũng rất ư khác người. Cho đến năm 1998, bà Nguyễn Thị Hồng Vân vẫn là một doanh nhân trong ngành cung cấp vật liệu xây dựng và các máy móc phục vụ cho ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân bên cạnh một số sản phẩm chủ lực của gốm sứ Đại Hồng Phát

Cũng từ nhu cầu bán máy móc phục vụ cho ngành gốm, bà Vân phải lập xưởng cho chạy thử máy để khách kiểm tra trước khi mua. Chính bà Vân cũng không ngờ rằng, từ những ngày tháng cho vận hành thử máy ấy, Công ty Đại Hồng Phát đã cho ra đời những mẻ gốm đầu tiên, bán được ra thị trường. Đến đầu năm 2009, một khách hàng ở châu Âu đã cam kết bao tiêu sản phẩm của Đại Hồng Phát dài hạn. Đó là cơ sở để bà Vân tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất gốm đại trà với quy mô ban đầu khoảng 100 công nhân.

Xuất phát từ con số không về kinh nghiệm ngành gốm sứ, bà Nguyễn Thị Hồng Vân phải thừa nhận: “Khởi nghiệp rất khó khăn. Ngoài những nỗi lo về vốn, thị trường, nhân sự... thì chúng tôi vẫn lo nhất là chưa có một tí kinh nghiệm nào về ngành gốm. Chính vì thế, chúng tôi phải mua kinh nghiệm bằng tiền”. Có nhà máy, có công nhân và đầu ra nhưng để gốm làm ra bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, bà Vân phải bỏ số tiền rất lớn ra để thuê chuyên gia ngành gốm từ Đài Loan về Việt Nam đào tạo nhân sự, tổ chức điều hành kinh doanh, sản xuất.

Gốm sứ Đại Hồng Phát cũng phát triển theo một hướng riêng biệt, chủ yếu là theo hướng tiêu dùng. Vì là hàng bán sứ nên có lợi thế về màu sắc, mẫu mã đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cho đến nay, Đại Hồng Phát đã tạo ra hàng ngàn mẫu sản phẩm khác nhau và tung ra thị trường hàng triệu sản phẩm gốm sứ đặc trưng, có màu men bóng mượt. Gốm sứ Đại Hồng Phát đã xuất hàng ngàn lượt hàng sang các nước châu Âu, Nhật Bản và thị trường Mỹ. Trong khi đó, thị trường nội địa cũng là một kênh bán hàng quan trọng mà Đại Hồng Phát đã đi được vào lòng các bà nội trợ với các sản phẩm bắt mắt, gần gũi với các gia đình. Ước tổng tài sản của gốm sứ Đại Hồng Phát khoảng 10 triệu USD, đỉnh cao xuất khẩu của doanh nghiệp là vào năm 2008, Đại Hồng Phát khi ấy đạt đỉnh với tổng giá trị 5 triệu USD.

Từng vượt qua nhiều sóng gió, nhưng...

Khởi nghiệp với vốn liếng ít, kinh nghiệm không có lại thiếu thị trường nhưng đó chưa phải là khó khăn to lớn mà bà Vân vấp phải khi dấn thân vào nghiệp kinh doanh ngành gốm sứ. Năm 2008, doanh nghiệp của bà đối mặt với muôn trùng khó khăn về biến động giá, thị trường bị thu hẹp. Bà Vân nhớ lại: “Đó là thời điểm hết sức ngột ngạt trên bước đường kinh doanh. Bởi doanh nghiệp khi ấy còn khá non trẻ nên lượng khách rất ít. Mọi nguyên liệu đầu vào đều tăng vọt trong khi mình phải nuôi hàng trăm công nhân nên không thể nào kìm được giá thành sản phẩm”. Mất nhiều đối tác quan trọng ở châu Âu, Mỹ nhưng không thể bó tay để doanh nghiệp đi xuống, bà Vân tích cực hơn trong việc khai thác thị trường nội địa. Năm ấy, bà mạnh dạn tham dự rất nhiều hội chợ triển lãm gốm trong nước. Thật bất ngờ khi các sản phẩm hàng bán sứ của Đại Hồng Phát thu hút rất nhiều sự quan tâm của khách Việt và nhiều đơn đặt hàng đến từ chính “sân nhà” đã góp phần giúp bà Vân “giữ neo” được con tàu Đại Hồng Phát trong cơn sóng gió năm 2008.

Chia sẻ với chúng tôi về những đợt khó khăn liên tiếp trong năm nay, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết: “Về lãi suất ngân hàng, chúng tôi bị ảnh hưởng không nhiều lắm vì doanh nghiệp sử dụng vốn vay USD nên không có áp lực lãi suất lớn như các doanh nghiệp huy động vốn vay từ tiền VND. Tuy nhiên, năm 2011 cũng lại là áp lực rất lớn về biến động giá nguyên liệu khiến cho giá thành sản phẩm tăng vọt, mình lại phải mất nhiều đối tác”. Bà Vân chia sẻ thêm, trong tình hình hiện nay, việc cắt giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm để hạ giá thành sản phẩm gần như là không thể. Bởi tất cả các biện pháp tiết kiệm chi phí đều đã được doanh nghiệp áp dụng trong đợt khó khăn năm 2008. Chính vì thế, ngoài việc tăng cường tìm thêm đối tác thông qua các hội chợ hoặc kìm giữ giá, chấp nhận làm ăn không có lãi, thậm chí phải thua lỗ là phương án doanh nghiệp phải áp dụng để giữ khách.

Áp lực lớn nhất mà doanh nghiệp đang đối mặt là tiền lương, khi thực hiện việc Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu: “Về góc độ quản lý nhà nước, tôi thấu hiểu rằng đó là một bước đi đúng đắn của Chính phủ trong việc tạo mặt bằng lương tốt cho người lao động. Nhưng đó là một áp lực quá lớn đối với những doanh nghiệp cần nhiều nhân công lao động như chúng tôi. Đại Hồng Phát đang có khoảng 600 công nhân, bình quân thu nhập mỗi người khoảng 4 triệu đồng. Với đợt tăng mức lương tối thiểu mới nhất, mỗi công nhân được tăng thêm 1 triệu đồng, đó là điều đáng mừng với từng cá nhân của công ty. Nhưng về góc độ doanh nghiệp, mỗi tháng chúng tôi chi thêm 600 triệu đồng tiền lương. Đó sẽ là một khoản không đáng kể nếu áp dụng ở thời điểm khác, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn thì biến động tiền lương lần này thực sự là một gánh nặng rất lớn”.

KHÁNH VINH