Nữ công nhân giỏi tay nghề, giàu trách nhiệm
(BDO) Gần 15 năm qua, tại Nông trường Cao su Hội Nghĩa, chị Đới Thị Nga (ảnh) được nhiều người biết đến là một công nhân khai thác mủ có tay nghề xuất sắc. Không chỉ vậy, chị còn là một an toàn viên tiêu biểu, xem đồng nghiệp như người thân để chăm sóc trong từng bữa ăn, cấp phát bảo hộ lao động bảo đảm sức khỏe, an toàn trong quá trình làm việc.
Là một người con của vùng quê Thanh Hóa, năm 2009, chị Đới Thị Nga đến vùng đất Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên để sinh sống và lập nghiệp. Chị xin vào làm công nhân khai thác mủ cao su và hiện đang là công nhân khai thác Đội 11, Nông trường Cao su Hội Nghĩa, Công ty PHR.
Ngay từ những ngày làm công nhân tại vườn cây, chị Nga được biết đến là người chịu khó, luôn tìm tòi và học hỏi, có những giải pháp, cải tiến mới ở vườn cây để đề xuất lên cấp trên xem xét và áp dụng vào thực tế. Từ đó tiết kiệm và chủ động trong việc thực hiện những yêu cầu về nhiệm vụ được giao, đúc kết thành những bài học giá trị để thực hiện. Dáng người nhỏ nhắn, thoăn thoắt di chuyển trên từng hàng cây, những ngày đầu vào làm công nhân, ít ai nghĩ người phụ nữ này lại có tinh thần và nghị lực để vượt qua khó khăn, trở thành lao động giỏi tay nghề.
Để có được sản lượng thu hoạch cao, chị luôn tỉ mỉ kiểm tra và trang bị đầy đủ dụng cụ như dao cạo mủ, thùng mang để chứa mủ dây, đá mài, giẻ lau, lọ mỡ vaseline… nhằm luôn có sự chủ động trước khi khai thác. Từ những kinh nghiệm trên đã giúp cho tay nghề của chị ổn định, nhiều năm liền luôn đạt xuất sắc của đơn vị. Đồng thời, kết hợp với sự cần cù, chịu khó, chị luôn nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hàng năm sản lượng luôn đạt và vượt trên 20% kế hoạch giao. Đặc biệt, trong năm 2022, chị đã khai thác vượt gần 60% kế hoạch.
Đây chính là thành quả mà chị đã luôn tích cực tham gia đầy đủ ngày công lao động, tận thu hết các loại mủ, cạo hết cây cạo và những cây cạo khô cho mủ lại, nhất là cạo choàng những phần cây thiếu lao động. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất vườn cây, năng suất lao động, cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.
“Trong thao tác cạo mủ, cần chú ý đến từng chi tiết nhỏ như việc bóc mủ dây để nhìn rõ và phân biệt kỹ lớp da cho mủ của từng loại giống - đây cũng là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng cho sản lượng mủ của từng loại giống cây. Ngoài ra, việc cạo phải đúng dăm theo quy định, chú ý đến công tác vệ sinh máng, chén hứng mủ, vệ sinh mặt cạo để bảo đảm chất lượng mủ; thực hiện chăm sóc mặt cạo, làm máng chắn nước mưa, mái che giữ cho mặt cạo luôn khô ráo vào mùa mưa, không làm ảnh hưởng và gây bệnh cho cây”, chị Đới Thị Nga chia sẻ thêm kinh nghiệm khai thác mủ.
Tại đơn vị, với nhiệm vụ là an toàn viên, chị luôn tích cực chăm lo tốt đời sống, từ bữa ăn giữa ca cho CNLĐ được an toàn, vệ sinh thực phẩm đến việc cấp phát bảo hộ lao động kịp thời để CNLĐ an tâm trong quá trình khai thác. Chị xem đồng nghiệp như người thân của mình. Không những vậy, chị còn đề xuất giải pháp nhằm nâng cao sản lượng mủ cho mỗi công nhân, tích cực tham gia cạo choàng thêm phần cây trống của đơn vị do thiếu lao động. Giải pháp này đã tiết kiệm nhiều chi phí cho đơn vị, tạo thêm nguồn thu nhập và bảo đảm đời sống cho CNLĐ. Từ việc thực hiện tốt giải pháp này, tiền lương bình quân của chị và nhiều công nhân trong đội luôn đạt trên 10 triệu đồng/tháng. Với sự phấn đấu không mệt mỏi, năm 2021, chị được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng bằng khen; năm 2022, chị được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tặng bằng khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
DUY KHANG - ĐỨC THUẬN