NSƯT- đạo diễn Trần Minh Ngọc: “Dùng nghệ thuật để... lay động cảm xúc, ý thức chấp hành an toàn giao thông”

Thứ ba, ngày 18/09/2012

Năm 2012 là Năm An toàn giao thông (ATGT) với nhiều hình thức tuyên truyền, cổ động được tăng cường nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Tại Bình Dương, sau nhiều hoạt động tuyên truyền bằng bài viết, chương trình truyền hình, triển lãm ảnh về ATGT thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ban ATGT tỉnh tổ chức cuộc vận động sáng tác kịch bản (KB) sân khấu hóa. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả nếu được diễn viên diễn xuất tốt, truyền tải được nội dung cần nói đến người nghe, người xem.

Sau hơn 4 tháng vận động, cuộc thi sáng tác KB về ATGT nhận được sự hưởng ứng của nhiều tác giả từ Khánh Hòa đến Kiên Giang. Có 60 KB gồm tiểu phẩm và kịch tuyên truyền của 38 tác giả tham dự. Trong đó, 52 KB tuyên truyền ATGT đường bộ, 8 KB về ATGT đường thủy. Tỉnh có nhiều tác giả tham dự nhất và cũng “rinh” được nhiều giải thưởng nhất từ Ban tổ chức là Tiền Giang. Các KB có nội dung tuyên truyền luật giao thông, văn hóa khi tham gia giao thông... nhằm nâng cao ý thức chấp hành của mọi người.

Nhận xét về các KB, NSƯT- đạo diễn Trần Minh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu TP.HCM, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi cho rằng; có 1/3 KB đạt khá, tốt về chuyên môn. Đây là những tác phẩm để tuyên truyền miệng, trực quan, văn nghệ rất hiệu quả với người dân về ý thức chấp hành ATGT. KB là những câu chuyện từ cuộc sống, những câu chuyện phi văn hóa trong giao thông cần được lên án để mọi người tránh. Những KB ngắn như: Hoa hồng vàng, Chuyện bên sông, Chuyện quê mình, Câu chuyện bên đường, Lỗi tại ai... nói về ATGT một cách cụ thể và sinh động. Nhiều tiểu phẩm là câu chuyện kể có đầu đuôi, có phải trái, đúng sai để mọi người làm theo, học hỏi theo.

Tác giả KB cũng đã tạo dựng được nhân vật tích cực và tiêu cực. Thông qua tranh luận, bàn bạc đưa kịch lên cao trào, nâng cao tính hiệu quả của tuyên truyền miệng. Theo ông Trần Minh Ngọc, nhờ thông qua việc tuyên truyền này, luật giao thông không còn khô khan, cứng nhắc mà mềm mại hơn nhờ nghệ thuật thể hiện.

Ông cũng nhấn mạnh rằng; sáng tác cải lương cho câu chuyện về ATGT cần phát huy để tuyên truyền hiệu quả cho bà con vùng sâu, vùng xa. Viết KB đã khó, viết cho tuyên truyền lại càng khó hơn nên rất cần sự tâm huyết, sáng tạo của các tác giả cho loại hình nghệ thuật này. Cuộc thi có 9 vở cải lương tham dự là một thành công.

Và dù với thể loại gì, kịch ngắn hay cải lương thì đó cũng là dùng nghệ thuật để đến với khối óc, trái tim để lay động cảm xúc, đến với khán giả, nếu KB hay, được khán giả chấp nhận, tiếp thu ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm, là thành công. Từ đó, ý thức về ATGT được nâng lên, người ta sẽ văn minh, lịch sự, biết nhường nhịn nhau hơn khi đi trên đường...

QUỲNH NHƯ