NSND Kim Cương trở lại sau 15 năm: Rời ánh hào quang
Vé của 3 đêm diễn chương trình Tạ ơn đời của NSND Kim Cương (từ tối 6 đến 8-8 tại Nhà hát TPHCM) trở nên hiếm hoi khiến bà xúc động: “Không ngờ tình thương của công chúng dành cho tôi còn quá lớn” NSND Kim Cương (trái) và nghệ sĩ Uyên Trinh trong vở Đám cưới đầu Xuân15 năm tạm ngưng hoạt động biểu diễn, thi thoảng NSND Kim Cương có mặt trong các chương trình văn nghệ từ thiện, giúp đỡ trẻ em mồ côi, người khuyết tật bởi bà là phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi TPHCM. Bà xuất hiện để nói lời cảm ơn và đón nhận những món quà từ thiện.
Rời mà không xa
Chỉ duy nhất cách đây 7 năm bà mới diễn một suất trong ngày kỷ niệm một năm ngày mất của mẹ bà - cố NSND Bảy Nam. Bà không còn dám nghĩ sẽ bước lên sân khấu để diễn khi không có mẹ bên cạnh. Vì thực tế hơn 60 năm gắn bó với nghề, hình ảnh hai mẹ con ngồi đâu lưng hóa trang, từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, từng nỗi đau của nhân vật đều có mẹ bà bên cạnh. Sàn diễn với bà linh thiêng và ấm áp nhưng cũng đầy nỗi thảm sầu mà bà tự nhủ chỉ rời thôi chứ không xa.
Khán giả, bạn bè gặp gỡ thắc mắc, bà chỉ nói một chữ “buông” dù lực diễn vẫn còn. Bà gạt nước mắt: “Mấy ai biết khi trời sụp tối, tôi ngồi trong luồng ánh sáng vàng rực của căn phòng mà tôi cố tình thiết kế cho giống không gian sân khấu - nơi mà đời nghệ sĩ nếu xa vắng coi như chấm hết niềm đam mê. Tôi nhớ nghề, nhớ khán giả nhưng không có đủ can đảm để níu kéo hào quang”. Bà nói: “Hiện nay, tôi bị xem là người lạc hậu. Chỉ 3 suất Tạ ơn đời, tôi chóng mặt với mọi thứ mới mẻ, không như thời tôi tả xung hữu đột vừa làm trưởng đoàn, đào chánh, tác giả, đạo diễn kiêm luôn công việc lo mọi thứ đời sống tinh thần, vật chất cho gần 70 con người. Nhờ có NSƯT Hữu Châu đứng ra làm biên tập chương trình, đạo diễn trẻ Vũ Minh làm tổng đạo diễn, NSƯT Thành Lộc tham gia làm MC, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc viết lời dẫn chuyện, tôi thật sự yên tâm. Hôm họp mặt Đoàn Kim Cương, tôi đã khóc vì gần 70 con người ngày nào nay chỉ còn chưa tới 10 người. Những anh kép của tôi, những nam nghệ sĩ đã một thời cùng Kim Cương chia ngọt sẻ bùi, lấy nước mắt hàng triệu khán giả qua các mối tình thấm đẫm nước mắt đã lần lượt ra đi. Các nam nghệ sĩ: Vân Hùng, La Thoại Tân, Ngọc Đức… đã rời xa tôi vĩnh viễn. Khi làm 3 đêm này, muốn gọi Thương Tín, Huỳnh Thanh Trà, Minh Vương, Đức Minh… thì mỗi người cũng đã vì hoàn cảnh, sức khỏe cũng không thể có mặt. Lý do tôi rời sân khấu cũng từ đây, khi mà những bạn diễn ăn ý với mình không còn hà hơi tiếp sức, tôi sẽ lạc lõng nếu chỉ biết lo cho hào quang của mình”.
Bà vẫn quan tâm đến thế hệ diễn viên trẻ nên khi nhắc đến họ, bà nhớ ngay vì qua màn ảnh nhỏ, qua báo chí, bà biết họ đang nỗ lực tiếp nối bà. “Quay về với mái ấm dù có lạc lõng nhưng sum vầy” - bà lại cười rồi cùng Lương Thế Thành, Xuân Thùy tiếp tục lên sàn tập để màn kịch Lá sầu riêng làm rung động biết bao trái tim khán giả.
Giỏi mấy cũng phải học
Bước lên sân khấu từ năm còn bé xíu, bà nổi danh với Na Tra lóc thịt, Mẫu tử tình thâm… Thế nhưng, cái nghiệp làm bầu, làm đào chánh của mẹ bà, NSND Bảy Nam, đã khiến cả gia tộc phải ngồi lại, buộc mẹ bà gửi con gái theo học ở trường. “Tôi chăm ngoan học tập, mỗi dịp hè về thăm nhà, lại thấy má tôi tất bật chuyện hát xướng, lòng lại mơ ước. Tới năm 16 tuổi, tôi rời Trường Trung học Lê Tấn Thành để chính thức tham gia nghề diễn trên sân khấu Đoàn Năm Phỉ, sau này mang tên Năm Phỉ - Kim Cương. Tôi có 2 người mẹ, má Năm nổi danh trước, má Bảy kế tục sự nghiệp người chị, cả 2 đều nghiêm khắc. Câu nói tôi ghi khắc mãi trong dạ: Là con nhà nòi, có giỏi mấy cũng phải học” - bà nhắc lại quãng đời niên thiếu.
Năm 1956, khi 19 tuổi, bà lần đầu được đóng vai chính trong vở Giai nhân và ác quỷ và lập tức được báo chí phong tặng danh hiệu kỳ nữ Kim Cương. Dư luận xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của một cô đào khả ái, dám bứt phá gia tộc chuyên hát cải lương để rẽ sang hướng đi mới: kịch nghệ.
Không dừng lại ở đó, bà tham gia lĩnh vực điện ảnh với phim đầu tay là Lòng nhân đạo. Liên tiếp từ những năm 1950 đến 1970, bà tham gia trong nhiều bộ phim như: Đôi mắt huyền, Trương Chi - Mỵ Nương, Mưa rừng, Chiếc bóng bên đường, Tứ quái Sài Gòn… Bà còn là nữ nghệ sĩ Việt Nam được trao giải tại Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương với tư cách diễn viên và nhà biên kịch viết lời thoại hay nhất. “Nhưng với tôi, sự lăn lóc đó chỉ để đúc kết thêm chất liệu cho kịch. Vùng nước tôi bơi, hơi thở tôi sống là kịch Kim Cương” - bà nói khi nhắc lại 2 chữ đạo hát mà mẹ của bà đã dạy: Nghệ sĩ mà xem nghề là nơi hái ra tiền là hỏng, thánh đường không phải là nơi để mua danh lợi. Suy nghĩ về đạo hát sẽ giải tỏa tất cả những ham muốn thấp hèn của danh vọng”.
Từ sự giáo huấn của mẹ mà chọn một hướng đi cho kịch Kim Cương: Lòng hiếu thảo. Dưới bút danh Hoàng Dũng, những vở kịch để đời của kỳ nữ Kim Cương: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Huyền thoại mẹ, Tôi là mẹ, Bông hồng cài áo, Nó là con tôi, Người tình trễ xe… đã thành công rực rỡ, hình thành phong cách kịch miền Nam với những giá trị chuẩn mực.
GS-TS Trần Văn Khê: Xứng danh Nữ hoàng kịch nghệ
NSND Kim Cương luôn được nhiều cảm tình của khán giả suốt hơn 60 năm hoàng kim của nghiệp diễn. Cô từng đoạt nhiều giải thưởng mà có thể cô cũng nhớ không hết nhưng tôi còn nhớ cô đoạt giải: Diễn viên được yêu thích nhất năm 1956 - 1957, Nữ diễn viên được yêu thích nhất của thoại kịch miền Nam… Cô còn là giám đốc Hãng phim Kim Cương, trưởng đoàn kịch, tác giả 50 vở kịch, 20 kịch bản phim, trong đó có một số phim đoạt giải quốc tế… Bấy nhiêu đó cũng đủ nói sự đam mê học tập, phấn đấu đã cho Kim Cương bước lên ngôi vị một nữ hoàng kịch nghệ. NSND Bảy Nam ở tuổi 94 còn bước lên sàn diễn để đóng mẹ cô Diệu thì “nữ hoàng” Kim Cương khó nói câu thoái vị khi khán giả vẫn còn muốn cô trị vì trên sàn diễn thấm đẫm tình thương.
Theo NLĐ