Nông thôn mới gắn với du lịch: Chiến lược phát triển du lịch bền vững, hiệu quả
(BDO) Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nói chung, huyện Phú Giáo nói riêng. Đây được xem là định hướng đúng đắn góp phần hoàn thành “mục tiêu kép” trong xây dựng NTM, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Xây dựng nông thôn mới với sản phẩm OCOP hỗ trợ, thúc đẩy du lịch huyện Phú Giáo phát triển. Trong ảnh: Kỹ thuật viên chăm sóc vườn cây ăn trái tại nông trại Công ty Cổ phần Vinamit tại xã Phước Sang
Nông thôn mới - giá trị mới cho phát triển du lịch
Sau gần 10 năm cả hệ thống chính trị địa phương thực hiện quyết liệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn huyện Phú Giáo có 10 xã đạt chuẩn NTM với tỷ lệ 100%. Năm 2022, huyện có 3 xã được công nhân đạt chuẩn NTM nâng cao (Tân Long, An Thái, Tân Hiệp). Điều đáng mừng là từ chương trình này đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn mang lại nhiều giá trị mới gắn với du lịch, làm cho xây dựng NTM trở thành một mốc son để người nông dân có thêm động lực xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Ông Văn Quang Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh những giá trị trong quá trình xây dựng NTM, huyện Phú Giáo đã và đang triển khai Dự án “Phát triển nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi và cam Phú Giáo” và đề tài “Phát triển du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ứng với giải pháp tuần hoàn trong mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ”. Việc triển khai các dự án, đề tài giúp quảng bá sản phẩm nông nghiệp và hình ảnh huyện Phú Giáo đến người tiêu dùng trong và ngoài địa phương. Thời gian qua, huyện Phú Giáo triển khai mạnh mẽ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) rất thiết thực, ý nghĩa với người nông dân và với phát triển du lịch. Đến nay, toàn huyện đã có 4 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp huyện.
Sản phẩm OCOP chính là một phần của sản phẩm du lịch. Du lịch cần OCOP để làm phong phú, hấp dẫn sản phẩm của mình, OCOP cần du lịch để nâng cao giá trị. Việc đưa sản phẩm du lịch vào Chương trình OCOP gắn với xây dựng NTM là hướng đi đúng đắn giúp nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. “Trước mắt huyện đang tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, cải tạo cảnh quan, phát triển các con đường NTM kiểu mẫu”, ông Chinh nói.
Thực tế những năm qua huyện Phú Giáo luôn chú trọng phát triển các tuyến đường NTM kiểu mẫu làm tiền đề phát triển du lịch. Đến Phú Giáo vào thời điểm này chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước nét đẹp của các tuyến đường liên xã, liên ấp. Dọc hai bên lề đường các loại hoa (ngũ sắc, hoa chuông vàng, tóc tiên, chiều tím…) đang đua nhau khoe sắc rực rỡ. Để tuyến đường NTM kiểu mẫu của các xã luôn tỏa sáng và để lại ấn tượng đẹp mỗi khi người dân đi qua, các ngành, đoàn thể trong xã, ấp đã thành lập hệ thống các tổ tự quản bảo vệ môi trường và giao cho các chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên bảo vệ, chăm sóc các tuyến đường kiểu mẫu. Vào các sáng thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, mỗi gia đình cử 1 thành viên cùng tham gia quét dọn, vệ sinh môi trường các tuyến đường. Nhờ đó, cảnh quan môi trường ở các đường kiểu mẫu và trong các khu, ấp lúc nào cũng sáng, xanh, sạch, đẹp.
Sản phẩm du lịch chiến lược
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Giáo, cho biết: “Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn với các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp nông thôn, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù. Phát triển du lịch nông thôn gắn với NTM không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, du lịch nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu cho sản xuất nông nghiệp. Du lịch nông thôn cũng góp phần tạo cơ hội việc làm cho bà con, đẩy mạnh gắn kết cộng đồng, bảo tồn văn hóa và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường”.
Dự kiến giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Giáo chủ trương đầu tư xây dựng đường dọc sông Bé từ xã An Thái đến xã Tam Lập nhằm tạo điều kiện phát triển du lịch ven sông. Huyện cũng tiến hành quy hoạch đất 2 bên suối Rạc làm khu nghỉ dưỡng, đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông tuyến đường đến các suối, nhà vườn, di tích... Đặc biệt, huyện đẩy mạnh mời gọi các tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát đầu tư phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, khách sạn, điểm vui chơi giải trí... Trên cơ sở đó, huyện cũng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện có, bao gồm: Du lịch tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh kết hợp với tham quan các lễ hội truyền thống; du lịch sinh thái, dã ngoại cuối tuần; du lịch gắn với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tham quan trang trại, vườn cây ăn trái ven sông Bé kết hợp với thưởng thức đờn ca tài tử - cải lương, ẩm thực vùng quê.
Đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao và kiểu mẫu gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển du lịch sinh thái địa phương, ông Trương Thanh Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo nhấn mạnh: “Địa phương đang phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ và trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu phát triển mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng NTM nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh. Thời gian tới, Chương trình OCOP tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu và sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn của huyện”.
KIM HÀ - LÝ HUY