Nông thôn Định Hiệp thay áo mới

Thứ tư, ngày 02/03/2022

(BDO) Những ngày đầu năm, chúng tôi có dịp về lại xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, một trong những dấu ấn đậm nét mà chúng tôi ghi nhận trong chuyến công tác này là hình ảnh vùng quê hoang vắng ngày nào giờ đã thay da đổi thịt, sôi động hẳn lên. Đấu nối với những con đường huyết mạch kết nối vùng do tỉnh đầu tư xây dựng là những tuyến đường huyện, đường liên xã, giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, bài bản.

 

Bộ mặt nông thôn Định Hiệp đã trở nên khang trang, văn minh, hiện đại hơn sau nhiều năm thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong ảnh: Một tuyến đường giao thông nông thôn ở ấp Lộc Hiệp được đầu tư nhựa hóa

 Nghĩ về thời gian khó…

Từ trung tâm huyện Dầu Tiếng, chúng tôi men theo đường ĐT750 để đến với xã nông thôn mới (NTM) Định Hiệp. Là địa phương tiếp giáp với đô thị của huyện, nhưng phần lớn người dân Định Hiệp vẫn duy trì phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp với tổng diện tích đất nông nghiệp ước tính khoảng 5.695ha. Thông tin từ UBND xã Định Hiệp cho biết, hiện xã có 2.279 hộ dân với 7.801 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề nông theo mô hình kinh tế hộ gia đình, số ít làm công nhân khai thác mủ cao su cho Nông trường Cao su Đoàn Văn Tiến.

Trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Định Hiệp là xã thuần nông với phương thức canh tác truyền thống, lạc hậu. Lãnh đạo xã Định Hiệp cũng thừa nhận rằng, dù nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của xã nhà, nhưng đại đa số người dân vẫn chưa tiếp cận khoa học, kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Định Hiệp cho biết, thời điểm đó, hiện trạng chất lượng các công trình cũng chưa đáp ứng nhu cầu, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù có lực lượng lao động dồi dào nhưng do chưa được định hướng và đào tạo nghề bài bản nên tỷ lệ lao động có tay nghề của xã cũng chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, khoảng 35%.

Xã Định Hiệp là vùng đất khó khăn và khó đổi thay bởi người dân nơi đây vốn đã quen với tập tính làm nông truyền thống. Theo thống kê của địa phương, vào thời điểm trước khi thực hiện xây dựng NTM, xã có đến 90% hộ dân sống bằng nghề khai thác mủ cao su (nông trường và tiểu điền). Một số ít người dân có cơ hội tham quan, học tập các mô hình kinh tế trang trại phát triển ở các địa phương bạn cũng manh nha khởi nghiệp nhưng do chưa tiếp cận được khoa học, kỹ thuật và nguồn vốn nên nhanh chóng thất bại.

Quyết tâm xây dựng NTM

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã Định Hiệp cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin về chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành. Nhân dân là chủ thể đồng thời cũng là người hưởng thụ trực tiếp, do đó ngoài sự hỗ trợ của cấp trên và sự nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị, địa phương cũng khôn khéo tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng NTM.

Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, sự nhiệt tình ủng hộ của nhân dân, đến năm 2014 xã Định Hiệp được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,31%, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, hệ thống đường giao thông thuận tiên đi lại cho người dân. Kế thừa từ những nét đẹp văn minh được tạo dựng trong thời gian thực hiện xây dựng NTM, môi trường sinh thái ở vùng quê này cũng ngày càng xanh - sạch - đẹp; an sinh xã hội, trình độ dân trí và tình hình an ninh, quốc phòng cũng vì vậy mà được duy trì, nâng cao rõ rệt.

Có thể khẳng định, chương trình mục tiêu xây dựng NTM được triển khai đã tạo không khí tích cực và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn dân. Cụ thể, khi được vận động thực hiện các nội dung về chung tay xây dựng, cải tạo đường giao thông nông thôn, khu vực công cộng ở các ấp… nhiều hộ dân đã chủ động hiến tặng đất, tài sản trên đất và tích cực góp công, góp của. Theo ghi nhận từ UBND xã Định Hiệp, trong giai đoạn 2010-2019, người dân toàn xã đã quyên góp tổng cộng 11/305 tỷ đồng đối với các công trình giao thông nông thôn.

Lãnh đạo UBND xã Định Hiệp cho biết, trong thời gian qua, dưới sự vận động, tuyên truyền tích cực người dân đã chung tay cùng địa phương trong việc trồng cây dọc các tuyến đường, lắp đặt công trình chiếu sáng, trang bị thùng rác… Kết quả, đến nay xã đã trồng thêm 2.250 cây xanh dọc theo các tuyến đường nội bộ các ấp, lắp đặt hệ thống chiếu sáng cho khoảng 9,44km đường giao thông nông thôn, trang bị 1.780 thùng đựng rác với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí vận động từ nhân dân là 532 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Định Hiệp cũng không quên ghi nhận sự đóng góp đáng trân quý của các doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn. Theo đó, cùng với sự khởi sắc của bộ mặt nông thôn, những năm qua, vùng quê Định Hiệp cũng đã thu hút ngày càng nhiều hơn những doanh nghiệp đến đầu tư hoạt động. Sự xuất hiện của những nhà máy, xí nghiệp không chỉ góp phần giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho lượng lớn lao động địa phương mà còn giúp địa phương nhanh chóng hình thành nên các khu dân cư đông đúc, tạo tiền đề để thương mại - dịch vụ phát triển.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng: Để giúp các địa phương nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện đã trình tỉnh phê duyệt Chương trình quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Theo đó, huyện sẽ quy hoạch khoảng gần 8.000ha làm khu, cụm công nghiệp phân bố đồng đều, rộng khắp trên các địa bàn. Huyện Dầu Tiếng lựa chọn nhóm ngành chế biến mủ cao su, chế biến gỗ và chế biến súc sản làm định hướng quy hoạch và phát triển công nghiệp. Tin rằng sau khi đi vào hoạt động, những khu, cụm công nghiệp sẽ thúc đẩy sự phát triển chung của kinh tế - xã hội của huyện.

 ĐÌNH THẮNG