Nông thôn Bắc Tân Uyên khoác màu áo mới

Thứ hai, ngày 23/11/2020

(BDO)  Tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay diện mạo nông thôn huyện Bắc Tân Uyên đã có sự thay đổi vượt bậc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng cao rõ rệt…

 Diện mạo nông thôn mới Bắc Tân Uyên đã có sự thay đổi vượt bậc

 Hoàn thiện kết cấu hạ tầng

Điểm nổi bật trong công tác xây dựng NTM của huyện Bắc Tân Uyên là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã được người dân trong huyện đồng tình, ủng hộ. Nguồn vốn thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện chủ yếu là từ các chương trình lồng ghép, thông qua kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm từ nguồn ngân sách của huyện và vận động các doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn hỗ trợ đất, cây trồng để đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như trường học, giao thông nông thôn… Đến nay, huyện đã thực hiện đạt 9/9 tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM; đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh xem xét công nhận 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2020.

Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết cùng với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong xây dựng NTM, đến nay diện mạo nông thôn của huyện đã có sự thay đổi vượt bậc, kinh tế tăng trưởng mạnh, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh và ổn định; văn hóa - xã hội, môi trường có nhiều chuyển biến tốt.

Trong năm 2020, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hiện đại hóa nông thôn. Theo đó, 19 công trình chuyển tiếp, 9 công trình chuẩn bị đầu tư đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, 27 công trình khởi công mới. Về giao thông nông thôn huyện đang triển khai thi công 10 công trình trong năm 2020, tiến độ bảo đảm theo kế hoạch đề ra. Ngoài ra, công tác sửa chữa thường xuyên các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng được thực hiện tốt, hệ thống kênh mương được nạo vét kịp thời, chủ động phục vụ bơm tưới, cấp nước.

Nâng cao thu nhập

Có thể nói, huyện Bắc Tân Uyên có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư ngày càng đồng bộ. Đặc biệt hệ thống đường giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư kết nối với các vùng lân cận, tạo điệu kiện thuận lợi phát triển kinh tế của huyện. Ngoài ra, hiện trên địa bàn huyện có 4 khu, cụm công nghiệp, cùng với đó Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương bổ sung thành lập mới Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, quy mô 1.000 ha và dự án Khu công nghiệp Tân Lập I, khoảng 100 ha. Đây là tiền đề quan trọng để kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển mạnh mẽ.

Huyện Bắc Tân Uyên cũng xác định nông nghiệp đang là thế mạnh, trong đó việc phát triển diện tích cây ăn trái có múi là hướng đi chủ đạo; tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” gắn với các chính sách đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, chính sách phát triển vườn cây ăn trái có múi, khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Trên cơ sở đó, nhiều hộ nông dân đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư thâm canh, mở rộng quy mô sản xuất, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Hiện toàn huyện có 22 hợp tác xã đang hoạt động với 199 thành viên và 304 lao động thường xuyên; có 4 tổ hợp tác đang hoạt động với 68 thành viên. Tình hình hoạt động của các hợp tác xã và tổ hợp tác tương đối ổn định. Ngoài ra, toàn huyện còn có 102 trang trại trồng trọt, với tổng diện tích khoảng 1.464 ha; diện tích cây ăn trái có múi là 2.337,3 ha, chiếm trên 50% diện tích cây ăn trái có múi của tỉnh; năng suất bình quân đạt 36,4 tấn/ha/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Riêng thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đây được xem là điều kiện quan trọng và cần thiết để cây ăn trái có múi ở Bắc Tân Uyên vươn xa trên thị trường.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện luôn xác định ưu tiên đầu t ư phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, làm điểm tựa để thực hiện các tiêu chí khác. Trên cơ sở đó, thời gian qua huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển mô hình kinh tế trang trại, vườn cây ăn trái có múi, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... giúp người dân ổn định cuộc sống. T rong thời gian tới, huyện tập tr ung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển các lĩnh vực kinh tế ở khu vực nông thôn”.

(Ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên)

 THOẠI PHƯƠNG