Nông sản sạch ở cơ sở cai nghiện ma túy

Thứ bảy, ngày 23/06/2018

(BDO)  Hơn 1,2 tấn chuối sạch được giáo viên, học sinh trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương rao bán online trong vòng 3 ngày. Tìm hiểu được biết, họ đang “tìm đầu ra” cho nông sản sạch của cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo) hiện có 640 học viên, trong đó chỉ có 6 học viên tự nguyện. Ở đây, các học viên được cắt cơn nghiện, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn nghệ - thể thao, học tập và tham gia lao động sản xuất. Các trung tâm dịch vụ việc làm trong tỉnh cũng tổ chức đào tạo nghề cho các học viên. Trong những “phần việc” mà các học viên được làm ở đây, ra vườn cây tưới rau, nhổ cỏ, trồng cây… được các bạn đón nhận nhất, là bởi những học viên chấp hành tốt nội quy, cai nghiện thành công, sắp hết thời hạn chấp hành quyết định ở cơ sở, còn 1-2 tháng trở về với gia đình mới được ra vườn cây lao động theo quy định về giờ giấc hẳn hoi.

Các học viên đang nhổ cỏ, chăm sóc vườn cây ăn trái. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Anh Lê Văn Được, cán bộ phụ trách Phòng Lao động sản xuất của cơ sở này cho biết vườn cây ăn trái trồng chuối, cam, chanh, bưởi, đu đủ… được đầu tư trồng trọt đúng một năm nay. Chuối sạch được thu hoạch dần và đây được coi là loại cây lấy ngắn nuôi dài cho các loại cây có múi khác. Vườn cây ở đây không sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ; cỏ mọc có học viên đi nhổ, vệ sinh vườn sạch sẽ; phân bón chủ yếu là loại phân hữu cơ hoai mục gồm các thành phần chính là bèo hoa dâu được nuôi trong các hồ nước chung quanh ủ với phân heo, phân gà.

Anh Được cho hay, quy trình làm phân hữu cơ cũng đơn giản: “Xung quanh cơ sở có rất nhiều trại heo, trại gà, mình quen biết nên đến mua rất rẻ; có khi họ cho không vì không có người dọn vệ sinh chuồng trại… Ngoài phân hữu cơ, thuốc trừ sâu cũng làm từ thảo mộc là chính; công thức là gừng, tỏi, ớt để trừ ốc sên, sâu bệnh…”, anh Được nói. Hiện nay, toàn bộ diện tích vườn cây sạch của cơ sở hơn 6 ha trồng rau và trái cây sạch, trong đó vườn rau chưa có dư để bán, chỉ phục vụ cho bếp ăn ở cơ sở này.

Điều đáng quý là từng ngọn rau, từng trái cây sạch ở đây thắm từng giọt mồ hôi của cán bộ, nhân viên, học viên cơ sở cai nghiện. Một bạn chia sẻ, bạn đang đếm từng ngày để được gia đình đến đón về. Thời gian của bạn còn lại ở cơ sở cai nghiện chỉ hơn 2 tháng nữa. Chỉ vì một phút bồng bột nghe theo bạn bè mà làm khổ bản thân, làm buồn lòng cha mẹ. Bạn cũng cho biết thêm, lao động sản xuất giúp bạn khỏe hơn, tinh thần phấn khởi và suy nghĩ lạc quan hơn.

Trở lại vấn đề tìm đầu ra cho nông sản sạch, thầy Lê Trung Hiếu, Bí thư Đoàn trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương và cô Lê Thị Hậu, cán bộ Phòng Đào tạo của trường là những “nhân tố” chủ lực cho chương trình này. Cô Hậu chia sẻ, khi biết được rằng khâu tiêu thụ chuối, đu đủ của cơ sở cai nghiện ma túy gặp khó khăn nên trường đã vào cuộc. Tận dụng mạng xã hội, các cô trò cùng nhau đồng loạt ra quân bán hàng. Đợt đầu tiên đã giúp cơ sở tiêu thụ kịp thời 1,2 tấn chuối già chuẩn bị chín hàng loạt. Sắp tới, việc bán hàng nông sản sạch của trường và cơ sở vẫn sẽ tiếp tục cho những đợt tiếp theo, cũng như sau này giúp cơ sở tiêu thụ cam, chanh, bưởi khi đến vụ thu hoạch.

Giá trị từ lao động sản xuất, đồng tiền do chính tay mình làm ra thật sự có ý nghĩa đối với học viên. Trong 6 tháng đầu năm này, các em còn được nhận làm gia công hạt điều được gần 164 triệu đồng, đan ghế thủ công được gần 183 triệu đồng. Tất cả để cải thiện đời sống hàng ngày cho học viên.

Chia tay thầy trò ở cơ sở này khi các học viên trở về từ vườn cây, chuẩn bị cho bữa cơm chiều, chúng tôi tin rằng thành quả từ công sức mà các bạn bỏ ra cũng góp phần giúp các học viên thay đổi nhận thức, trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn khi hòa nhập với xã hội.

QUỲNH NHƯ