Nông nghiệp Việt Nam: Lực đỡ quan trọng của nền kinh tế
"Từ một nước thiếu đói vươn lên thành quốc gia có nguồn cung lương thực tính theo đầu người cao nhất trong các nước đang phát triển. Đây là thành tích đáng kể mà thế giới phải ghi nhận đối với nông nghiệp Việt Nam" - Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định tại Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp VN 2011 tổ chức hôm 17/6 tại Hà Nội.
Cũng theo nhiều chuyên gia, nông nghiệp đã và đang thể hiện vai trò trung tâm trong công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam và trở thành lực đỡ quan trọng của cả nền kinh tế mỗi khi nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn. Điều này cho thấy, tập trung phát triển nông nghiệp là hướng đi đúng mà Việt Nam cần phải chú trọng trong thời gian tới
Năm 2010, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt hơn 19 tỷ USD với 3 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ và gạo.
Tại Hội thảo, Tổ chức Nông lương LHQ-FAO nhận định, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam rất lớn trong thời gian tới, nhất là với 2 mặt hàng gạo và thủy sản. Dự báo, đến năm 2019, VN sẽ trở thành nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
Cũng theo đánh giá của FAO thì hầu hết các mặt hàng nông sản đều đứng ở mức giá cao, đặc biệt là lúa gạo, lúa mỳ, ngô và các loại thịt gia súc, gia cầm.
Ông Samanrendu Mohanty - Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế IRRI: "Thái Lan hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao sản lượng gạo. Vì vậy, chiến lược của họ sẽ là đẩy mạnh chất lượng. Còn Việt Nam thì khác. Việt Nam còn nhiều khả năng để vừa tăng cả về sản lượng và chất lượng. Vì vậy, trong trung hạn thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua Thái Lan trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới".
Theo TS. Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT: "Thị trường nông sản trên thế giới thời gian tới rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đây là tín hiệu tốt không chỉ cho người nông dân mà còn cho tất cả các nhà đầu tư và cả nhà hoạch định chính sách. Vì thế, trước đây, nông nghiệp là một ngành tốt về việc tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Trong tương lai, đấy cũng có thể là một ngành kinh tế quan trọng".
Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như gạo, cà phê, tiêu, điều, sắn, thủy sản… đang giữ vị trí xuất khẩu số 1, số 2 thế giới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa bền vững vì khối lượng lớn nhưng giá trị gia tăng không cao. Một phần là do Việt Nam mới chỉ chủ yếu dừng ở xuất khẩu thô và mặt khác là do chúng ta vẫn còn yếu ở các khâu dự báo thị trường.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, GĐ TT Tư vấn chính sách NN: "Hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam đứng thứ nhất và rất nhiều mặt hàng đứng thứ nhì. Chúng ta nên lưu ý chúng ta là người làm giá chứ chúng ta không phải là người đuổi theo giá nữa. Chúng ta có thể tác động vào giá thế giới, chứ không phải cứ bán theo giá sẵn có. Vì vậy, việc giám sát cung cầu, thông báo, cảnh báo cung cầu là rất quan trọng. Như thế nào để chúng ta thu được giá cao nhất".
Nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT cho thấy, so với công nghiệp và dịch vụ thì hàng hóa nông nghiệp Việt Nam là hàng hóa có giá trị gia tăng cao nhất. Nhưng trên thực tế thì người nông dân lại chưa được hưởng lợi nhiều từ tăng trưởng. Nếu Nhà nước chưa có chính sách để giúp đỡ 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ liên kết lại với nhau thì nông dân càng yếu thế hơn trên thị trường.
Bà Atsuko Toda, Giám đốc Chương trình Quốc gia - Quỹ Quốc tế Phát triển NN: "Tôi cho rằng cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các đối tượng nông dân nghèo và những mô hình sản xuất nông hộ. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao đảm bảo những đối tượng này được tiếp cận các thông tin thị trường mới nhất, được vay vốn sản xuất, được cải thiện cơ sở hạ tầng và đặc biệt là được áp dụng khoa học công nghệ và các phương thức marketing nông sản ra thị trường".
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam mất khoảng hơn 700 triệu USD do xuất khẩu hàng nông sản với giá thấp và xuất khẩu nông sản thô. Do vậy, giá trị gia tăng tính trên mỗi lao động nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, kể cả Lào và Campuchia. Nếu không có những chính sách hợp lý để phát triển nông nghiệp thì Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt trong phân khúc thị trường hàng hóa thấp cấp.
Theo VTV