Nông nghiệp thời 4.0: Không áp dụng cái gì quá sức mình

Thứ hai, ngày 20/01/2020

(BDO) Thời gian qua, tỉnh Bình Dương có nhiều chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Nhân dịp xuân về, giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ đã có bài viết về nông nghiệp 4.0, nhằm tìm kiếm giải pháp để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

 Ông Trần Văn Nam (thứ ba từ trái qua), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

 Doanh nghiệp trong nước đầu tư mới bền vững

Nông nghiệp là lĩnh vực nhiều rủi ro vì rất lệ thuộc vào thiên nhiên. Nhìn trên bình diện quốc tế, thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của mọi quốc gia. Báo cáo nông nghiệp các nước hàng năm phần lớn đều bắt đầu từ tình hình thời tiết trong năm. Đặc biệt, trong thời đại biến đổi khí hậu toàn cầu sự rủi ro càng lớn và không lường được. Do đó, việc đầu tư cho nông nghiệp trong nước thường ít được tư bản nước ngoài bỏ vốn vào.

“Kiến thức đầu tiên người nông dân cần trang bị là theo dõi báo, đài báo cáo những điển hình áp dụng nông nghiệp 4.0, rồi soi rọi lại điều kiện sản xuất của mình xem có thể áp dụng tương tự như thế được không, kế đến là liệu mình xoay ra vốn để đầu tư được không. Hoặc nông dân có thể từ bỏ kỹ thuật cũ trước đây đã dùng quá nhiều hóa học, tìm hiểu thêm những kỹ thuật sinh học mới. Nhất là trong khâu bón phân phục hồi trạng thái nguyên thủy của đất đai để sản xuất an toàn thực phẩm cũng có thể được gọi là áp dụng nông nghiệp 4.0 rồi”.

Mặt khác, đất đai manh mún, nông dân đông đúc không phải là điều kiện quyến rũ nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, trong thời phong kiến có nhiều điền chủ đầu tư khai thác đất đai. Sau này, đến thời Pháp thuộc nhiều tư bản Pháp sang nước ta đầu tư lập đồn điền các loại rồi gom dân ta làm tá điền sản xuất cho họ.

Ngày nay, hình thức đồn điền ở nước ta vẫn còn nhưng điền chủ không còn hoặc đổi chủ thành giám đốc nông trường, nhưng ở nhiều nước khác vẫn còn điền chủ và tá điền, như ở Philippines chẳng hạn. Tại nhiều quốc gia châu Phi, nhiều tư bản nước ngoài vẫn còn mướn đất để họ tự sản xuất, làm cho nông dân bản xứ mất đất.

Đầu tư cho nông nghiệp nhìn chung phải do dân trong nước thực hiện là bền vững nhất. Nước ngoài vào đầu tư trong chuỗi liên kết từ khoa học - công nghệ trồng trọt hoặc chăn nuôi, cơ sở chế biến, bao bì đến phân phối sản phẩm có thương hiệu trong và ngoài nước. Trong thực tế, đã có nhiều người Việt đến khẩn đất Bình Dương để làm trang trại sầu riêng, xoài, chôm chôm, cao su, hồ tiêu… Mình cũng gọi đó là đầu tư nông nghiệp vậy, nhưng quy mô nhỏ, chỉ sử dụng ít lao động và đóng góp vào ngân sách địa phương không bao nhiêu.

Bình Dương có thể bắt đầu với những trái cây chủ lực

Có thể thấy, Hoa Kỳ là cường quốc trong mọi lĩnh vực, và nông nghiệp cũng mạnh nhất. Phần lớn ngành nông nghiệp của Hoa Kỳ là do người Mỹ tự đầu tư. Nhà nước Mỹ đầu tư rất cơ bản và toàn diện. Trước tiên và quan trọng nhất là họ đào tạo con người có khoa học - kỹ thuật để biến tài nguyên thiên nhiên thành sản phẩm cần thiết của xã hội, từ con người đó mới phát minh những phương pháp sản xuất ngày càng tiến bộ. Họ hình thành những vành đai trồng trọt, chăn nuôi… hàng trăm ngàn hecta, với nông dân mỗi hộ có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta.

Nghiên cứu khoa học luôn luôn gắn liền với trường đại học để vừa đào tạo con người có kỹ thuật mới vừa lai tạo thêm giống mới. Ví dụ, Khoa Nông nghiệp của trường Đại học California tại Davis - vùng thích hợp trồng cây ăn quả của Mỹ - đã được thành lập từ năm 1922. Ở đây người ta nghiên cứu cây ăn trái, đồng thời đào tạo sinh viên ngành cây ăn trái để họ về trồng cây ăn trái cho vùng của họ. Trong nghiên cứu, mỗi loại trái cây, ví dụ nho, táo… họ tạo ra nhiều giống chín vào các thời điểm khác nhau để nông dân trồng, đến khi thu hoạch sẽ không ùn tắc cùng một lúc. Và họ nghiên cứu bảo quản từng loại trái cây, loại nào thích hợp với nhiệt độ lạnh bao nhiêu cho giữ được ít nhất 3 - 4 tháng. Công nghiệp của họ sáng chế những thiết bị cần thiết cho quá trình bảo quản trái cây từ khi trái cây mới thu hoạch vào trong nhà máy chế biến - bảo quản trái cây, chờ đến phiên mang đi giao cho các siêu thị.

Măng cụt - một trong những cây ăn trái chủ lực, nổi tiếng của Bình Dương. Ảnh: VĂN TIẾN

Tại nước ta nói chung, Bình Dương nói riêng, những kỹ thuật, công nghệ và nhất là con người được đào tạo cho nông nghiệp như trên chưa có. Các trường đại học của ta chưa có nghiên cứu nhiều về nông nghiệp phục vụ đặc thù của địa phương để sẵn sàng với công nghệ cây ăn quả. Ở nước ta, công nghệ sau thu hoạch trái cây nói riêng, nông sản nói chung ít được quan tâm. Vì thế, trái cây của ta vừa dễ bị thiệt hại hao hụt, khi đến tay người tiêu dùng không còn hấp dẫn để khách hàng trả giá cao. Hàng xuất khẩu thì cũng không hơn gì.

Đối với Bình Dương, chúng ta cần đầu tiên xác định những cây ăn trái chủ lực, có giống tốt ở đâu cũng tìm đem về trồng so sánh để chọn giống độc đáo nhất, sau đó việc xúc tiến thương mại cho những sản phẩm này cần được tiến hành rộng rãi để tìm khách hàng trong và ngoài nước. Trước mắt, tỉnh có thể bắt đầu với những trái cây chủ lực như cam, quýt, chôm chôm, sầu riêng, xoài, vú sữa Lò Rèn…

Nông dân trồng các loại trái này đang trồng rải rác khắp nơi cần được tổ chức thành nhóm hoặc hợp tác xã cam quýt, hợp tác xã chôm chôm… Mỗi loại hợp tác xã này cần sinh hoạt nhóm thường xuyên để trao đổi kinh nghiệm, nắm thêm thông tin kỹ thuật từ các chuyên gia. Những khu chế biến bảo quản trái cây sẽ được xây dựng gần vùng sản xuất để phục vụ các nhà vườn/trang trại. Đồng thời, kế hoạch marketing cho từng nhóm sản phẩm phải được vạch ra rõ ràng, chính xác. Cần chấm dứt tình trạng mạnh ai nấy lo như hiện nay. Nếu việc sản xuất được làm tốt thì dần dần có thể kéo khách hàng lớn nước ngoài vào đầu tư khâu chế biến và tiêu thụ.

Áp dụng những mô hình phù hợp

Nông nghiệp đô thị được nói đến tại nhiều thành phố trên thế giới. Người dân đô thị nắm được khái niệm này và truyền miệng nhau thực hiện. Theo tổng hợp của nhiều cuộc điều tra nghiên cứu tại châu Âu cho thấy dường như người ta hô hào nhiều mà thực hiện không được bao nhiêu. Phía ủng hộ cho rằng họ có thể tự túc rau xanh an toàn thực phẩm một cách tiết kiệm; phía không ủng hộ cho rằng thời gian đầu tư không nhiều, ô nhiễm môi trường đô thị… Đối với nước ta, ngoại trừ gia đình có dư lao động nhàn rỗi mà chịu khó nuôi heo, trồng rau trên sân thượng, phần đông không nhiệt tâm đầu tư vào nông nghiệp đô thị khi cuộc sống hàng ngày phải lo làm việc thêm để có thu nhập.

Về nông nghiệp CNC, đây chỉ là một phương pháp ứng dụng trong những chuỗi sản xuất, chứ không phải là mục tiêu cần đạt. Nhiều người nghe nơi khác làm nông nghiệp CNC thì mình cũng muốn hùa theo CNC mà không nhận thức việc sản xuất đó có cần CNC hay không. Trong thời đại các nước tiên tiến đang chuyển sang nông nghiệp CNC hoặc nông nghiệp 4.0, các công cụ cơ giới trang bằng mặt đất, cày bừa, bón phân chính xác trên từng thửa đất của cánh đồng rộng hàng ngàn hecta sẽ được điều khiển bằng vệ tinh định vị (GPS) đến các cảm biến gắn trên các công cụ này. Máy bay không người lái sẽ thực hiện nhiều công tác đồng áng không thể lường được, vì sẽ có rất nhiều dữ liệu cho IoT (Internet vạn vật) kết nối.

Ở nhiều địa phương của Việt Nam, bà con nông dân đã sử dụng CNC bằng các nhà màng hàng thập niên nay. Trong nhiều nhà màng, nhà kín, người dân đã áp dụng nông nghiệp 4.0 điều khiển khí hậu thích hợp để trồng được nhiều rau cải ngăn được các loại sâu bệnh từ ngoài vào. Nông nghiệp 4.0 ở Đà Lạt không thua gì ở các nước khác.

Nhưng nhìn chung, nông nghiệp 4.0 ở Việt Nam chưa được áp dụng bao nhiêu. Khí hậu ở đây vốn rất thuận lợi, có thể trồng không cần có nhà màng, không cần điều khiển nhiệt độ không khí hoặc nước tưới riêng bên trong. Tuy nhiên, để tránh sâu bệnh phá hoại, các tỉnh đều có xây dựng một số nhà màng CNC để sản xuất nông nghiệp từ mấy năm nay. Nhưng hiện tại, một trở ngại đang được các nhà khoa học giải quyết là trong nhà màng ngày càng xuất hiện các loại côn trùng mới, chưa ngăn ngừa được.

Nông nghiệp có phát triển được là do sản phẩm được tiêu thụ. Các nước làm kinh tế giỏi đều đi lên bằng nông nghiệp: Nông dân sản xuất nguyên liệu, nhà doanh nghiệp chế biến nguyên liệu đó thành hàng hóa có thương hiệu để bán cho thị trường. Buôn bán thuận lợi, doanh nghiệp có thu nhập cao, đóng thuế tốt cho ngân sách quốc gia; nông dân bán nguyên liệu đạt chuẩn cho doanh nghiệp thì được thu nhập tốt, cũng đóng thuế đầy đủ cho ngân sách Nhà nước. Thế là dần dần Nhà nước sẽ giàu mạnh nhờ có dân cũng giàu.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng nông nghiệp 4.0 cần đến con người biết kỹ thuật, nắm được IoT và Big Data để có thể viết các phần mềm áp dụng (apps) theo quy trình chuỗi giá trị của IoT. Kế tiếp là phải có kinh phí lớn để đầu tư. Khi được ứng dụng, nông nghiệp 4.0 sẽ loại bỏ một số lớn lực lượng lao động. Như vậy, trong thời gian tới có lẽ đa số nông dân Việt Nam sẽ khó có thể đến gần cái thang nông nghiệp 4.0 như ở các nước tiên tiến.

Tuy nhiên, nếu căn cứ trên mục tiêu của nông nghiệp 4.0 là ứng dụng những tiến bộ công nghệ tin học và công nghệ sinh học để nâng cao sản lượng và phẩm chất hàng nông sản với giá thành thấp mà không làm ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước thì trong ngành nông nghiệp của Việt Nam hiện nay nông dân có thể áp dụng vài kết quả công nghệ sinh học để cải tiến tập quán sản xuất cây trồng và vật nuôi hiện nay, và ta có thể gọi đó là có áp dụng nông nghiệp 4.0.

Như chúng ta biết, hiện nay sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của nông dân nước ta thường bị coi là sản phẩm có chứa nhiều dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không bảo đảm cho sức khỏe của người tiêu dùng. Vì trong trồng trọt, bà con nông dân sử dụng quá nhiều phân hóa học, nhất là phân đạm, khiến cho cây trồng mất khả năng đề kháng, khiến sâu bệnh xâm nhập phá hại cây trồng, bắt buộc nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều, làm tăng chi phí và tăng phát thải khí nhà kính, tăng cường độ biến đổi khí hậu, tăng ô nhiễm đất đai và nguồn nước.

Chúng ta có thể nói rằng, khi nông dân áp dụng chế phẩm sinh học để giảm phân bón hóa học để sản xuất cây trồng, vật nuôi với chất lượng cao nhất (an toàn vệ sinh thực phẩm, hương vị ngon thơm tự nhiên), năng suất tối hảo, giá thành thấp, không sản sinh khí nhà kính (giảm biến đổi khí hậu), không làm ô nhiễm đất và nước thì CNC này có thể được coi là nông nghiệp CNC, nông nghiệp 4.0 của Việt Nam.

Chúng tôi nghĩ rằng, theo xu thế thời đại chúng ta ai cũng muốn tham gia cuộc cách mạng 4.0. Nhưng chọn lọc khía cạnh nào, nội dung gì, phương pháp ra sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế và nguồn nhân lực hiện tại của nước ta quả là một bài toán khó giải. Quan trọng là chúng ta không áp dụng cái gì quá sức của mình, không phô trương vừa tốn kém mà lại không thể áp dụng cho đông đảo nông dân.

Trong giai đoạn hiện tại, sự chọn lựa nông nghiệp 4.0 áp dụng trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp sẽ là việc ứng dụng chế phẩm mới nhất của thời đại trong quy trình sản xuất giảm mạnh phân bón hóa học, nhất là phân đạm, tăng cường phân hữu cơ kết hợp với phân sinh học chứa nhiều nguyên tố vi lượng và vi sinh vật kích kháng sâu bệnh cho tất cả cây trồng và vật nuôi. Từ đó sẽ giúp nông dân Việt Nam làm giảm tác động biến đổi khí hậu, tiết kiệm chi phí. Nhờ đó, nông dân sẽ tăng lợi tức một cách vững chắc. Các doanh nghiệp sẽ phát đạt nhờ sử dụng nguyên liệu chất lượng cao của nông dân liên kết; ngân sách Nhà nước sẽ tăng mạnh nhờ mọi thành phần trong chuỗi giá trị đều thành công.

Giáo sư VÕ TÒNG XUÂN (Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ)